Xạ trị trong điều trị ung thư, hiểu thế nào cho đúng?
Xạ trị có thể hiểu nôm na là điều trị bằng tia xạ. Tia xạ có thể giúp thu nhỏ, phá hủy khối u mà không làm tổn hại nhiều đến các mô bình thường.
1. Xạ trị hoạt động thế nào?
Xạ trị là một phương pháp điều trị duy nhất hoặc phối hợp (hóa trị, phẫu thuật) cho bệnh nhân ung thư. Đây là biện pháp có hiệu quả cao, đặc biệt là đối với bệnh nhân không được chỉ định hoặc không muốn phẫu thuật.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng liều lượng phóng xạ được tính toán cẩn thận. Chùm tia phóng xạ sẽ phá hủy, tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời ngăn chặn tế bào này phân chia và phát triển. Từ máy chuyên dụng (phổ biến là máy gia tốc tuyến tính) có thể định hướng rất chính xác các chùm tia xạ đi đến bất kỳ khu vực nào của cơ thể.
Khi điều trị ung thư bằng xạ trị, các bác sĩ tiến hành đưa các bước sóng năng lượng cao đi xuyên qua cơ thể để nhận diện tế bào ung thư, giúp phá hủy hoặc ngăn chặn tế bào ung thư phát triển.
Tuy nhiên, quá trình này cũng làm ảnh hưởng đến các tế bào đang phân chia khác của các mô bình thường. Đây chính là tác dụng không mong muốn của xạ trị. Do đó, khi thực hiện xạ trị người ta phải quan tâm tới sự phá hủy các tế bào ung thư và tránh gây tổn thương tối đa cho các tế bào bình thường.
Xạ trị được chỉ định trong điều trị nhiều loại ung thư, ở hầu hết các bộ phận trong cơ thể. Phương pháp này cũng có thể được chỉ định trước khi phẫu thuật, hóa trị; nhưng cũng có thể được chỉ định sau phẫu thuật để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư còn sót lại.
Có 2 loại xạ trị, tùy từng tình trạng bệnh, loại ung thư… mà bác sĩ sẽ lựa chọn xạ trị trong hay xạ trị ngoài.
1.1 Xạ trị ngoài
Xạ trị ngoài là phương pháp phát ra chùm tia phóng xạ từ bên ngoài cơ thể bệnh nhân đi đến khối u. Đây là cách xạ trị được sử dụng trong điều trị ung thư rộng rãi nhất.
Thông thường, người bệnh sẽ được đặt nằm cố định trên bàn xạ, có thể dùng các dụng cụ để cố định bệnh nhân khi máy đang phát tia. Kỹ thuật viên sẽ đánh dấu vị trí khối u để khi điều khiển máy, tia xạ không bị đi chệch ra ngoài.
Các bác sĩ quyết định liều phóng xạ mà người bệnh sẽ nhận và những cách tốt nhất để nhắm nó đến khối u dựa vào các yếu tố như: Kích thước khối u, độ nhạy cảm đối với tia xạ của khối u và mức độ chịu đựng của những mô lành ở khu vực xung quanh đó...
1.2 Xạ trị trong
Xạ trị trong hay còn gọi là xạ trị áp sát là phương pháp điều trị bằng cách đưa một nguồn phóng xạ (rắn hoặc lỏng) vào bên trong cơ thể và đến gần nhất với vị trí khối u.
Với nguồn phóng xạ dạng rắn: Các thiết bị như ống, kim, sợi hoặc phiến mỏng được đặt gần hoặc vào trong khối u. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ, chỉ tác động đến một bộ phận nhất định được nhắm đến.
Với nguồn phóng xạ dạng lỏng, hay còn gọi là liệu pháp dược phóng xạ, sẽ có ảnh hưởng đến toàn thân. Biện pháp này là đưa bức xạ di chuyển trong máu đến khắp cơ thể bệnh nhân. Bức xạ sẽ tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Người bệnh có thể dùng bức xạ bằng đường uống, tiêm truyền, sau đó sẽ thải bức xạ qua đường tiểu, mồ hôi, nước bọt trong một thời gian.
Xạ trị trong sử dụng tia bức xạ tập trung cao điểm hơn phương pháp xạ trị ngoài. Sau khi kết thúc liệu trình điều trị, các bức xạ còn sót lại trong cơ thể không gây hại cho tế bào lành.
2. Tác dụng phụ sau xạ trị là gì?
Cũng như các biện pháp điều trị khác, xạ trị cũng gặp phải tác dụng không mong muốn. Các tác dụng phụ của xạ trị có thể gặp sớm hoặc cấp tính, phát triển trong hoặc ngay sau khi điều trị như: Mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, họng khô, đau… Đây là tác dụng phụ tạm thời và có thể hết ngay sau khi kết thúc điều trị.
Tác dụng phụ như sạm da có thể kéo dài hơn, nhưng cũng chỉ sau khoảng 3-6 tháng sẽ hết. Tác dụng phụ muộn có thể phát triển nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi kết thúc liệu trình điều trị, hiếm gặp trường hợp vĩnh viễn.
Với xạ trị ngoài, sau khi điều trị xong có thể về nhà để nghỉ ngơi mà không cần thực hiện biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào.
Nhưng với xạ trị trong, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về biện pháp cách ly để tránh tia xạ làm ảnh hưởng tới người tiếp xúc gần.
3. Nên ăn như thế nào sau xạ trị?
Bệnh nhân ung thư thường chán ăn, đặc biệt là sau đợt xạ trị thì cảm giác chán ăn càng tăng lên. Nếu không có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ cùng biện pháp ăn hợp lý thì bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt cơ thể.
Để bảo đảm đủ dinh dưỡng, bệnh nhân cần ăn đủ các nhóm thực phẩm: Chất đạm, bột đường, chất béo và vitamin cùng bổ sung nước đầy đủ.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này bệnh nhân khá mệt mỏi, khẩu vị thay đổi, do đó nên chiều theo khẩu vị của người bệnh, chia nhỏ các bữa ăn để dễ hấp thu dưỡng chất. Cần tăng cường vận động vừa sức, giảm stress và tránh suy nghĩ tiêu cực... sẽ giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn.
Các dưỡng chất cần thiết trong bữa ăn hằng ngày như sau:
- Chất đạm: Khẩu phần ăn nên đa dạng và cân đối giữa chất đạm động vật và chất đạm thực vật. Các loại thịt trắng có lợi hơn cho sức khỏe. Các loại hải sản, tôm, cua, cá, động vật nhuyễn thể là nguồn cung cấp các acid amin và vi chất dinh dưỡng rất tốt.
- Tinh bột: Nên chọn ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mạch...), các loại củ (khoai lang, khoai sọ...). Tránh các thực phẩm chế biến sẵn chứa các chất phụ gia...
- Chất béo: Đây là một chất rất cần thiết có giá trị năng lượng cao. Trong chế độ ăn hằng ngày cần có một hàm lượng chất béo nhất định, không nên loại bỏ hoàn toàn. Có thể bổ sung chất béo từ cá béo, dầu thực vật.
- Vitamin và chất xơ: Bổ sung chất này qua rau quả. Nên chọn rau quả tươi, sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Uống nước từ 8-12 ly nước mỗi ngày (có thể uống nước trắng, nước trái cây), không sử dụng đồ uống có ga, nước có đường đóng chai sẵn
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường.
Khi xạ trị, bệnh nhân có thể thay đổi khẩu vị tạm thời, có thể khi ăn sẽ thấy các mùi vị khác lạ khó chịu, nôn... Sự khó chịu này sẽ hết sau khi chấm dứt điều trị một thời gian ngắn. Để khắc phục tình trạng này, bệnh nhân có thể thực hiện các bước sau:
- Súc miệng trước khi ăn.
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn trước khi đói (vì khi đói sẽ làm bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn tăng lên). Tăng thực phẩm mà bệnh nhân thấy dễ chịu, nhưng chú ý cân bằng dinh dưỡng.
- Ăn trái cây có vị chua (trừ trường hợp đang có tổn thương ở vùng miệng, hầu, họng khi ăn chua sẽ gây khó chịu hơn) như: cam, quýt, bưởi...
- Nên ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu, chế biến nhiều nước (cháo, súp, canh...).
- Nhai kẹo cao su để tăng tiết nước bọt và hạn chế mùi vị khó chịu trong miệng.
- Sử dụng đồ tráng miệng ướp lạnh.
- Vệ sinh răng miệng và súc miệng tối thiểu 4 lần trong 1 ngày.
- Uống nước từng ngụm nhỏ...
- Tránh thực phẩm có gia vị cay nồng.
- Tránh thực phẩm cứng, khô, khó nhai, nuốt.
Báo Sức khỏe & Đời sống
- Trào ngược dạ dày thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
- Cách chữa bệnh thủy đậu cho trẻ nhanh khỏi
- Phân biệt viêm xoang và viêm mũi dị ứng, cách phòng bệnh
- Nội soi đại tràng
- Cách chữa đau thần kinh tọa, có khỏi không?
- Xạ trị trong điều trị ung thư, hiểu thế nào cho đúng?
- Bệnh thiếu máu: Nguyên nhân và cách điều trị
- Cách phân biệt ho do viêm phổi và cảm lạnh
- Ung thư vú: Phương pháp chẩn đoán và cách chăm sóc bản thân để phòng bệnh
- Ung thư dạ dày: Ai, độ tuổi nào cần tầm soát để phát hiện sớm?