Trào ngược dạ dày thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay gọi là trào ngược dạ dày là một bệnh lý về đường tiêu hóa rất phổ biến tại Việt Nam. Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi dịch dạ dày gồm acid HCL, pepsin, dịch mật, thậm chí là cả thức ăn bị đẩy ngược từ dạ dày lên thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản khiến người bệnh có cảm giác đau rát nóng ở ngực, việc điều trị dai dằng, kéo dài.
1. Tổng quan về dạ dày
Vị trí dạ dày là ở khu vực phía trên, bên trái khoang bụng và nằm dưới gan, cạnh lá lách. Dạ dày nhìn bên ngoài có hình dạng giống như một chiếc móc câu. Hình dáng của dạ dày thay đổi dựa theo trạng thái nó có đang chứa thức ăn hay không, có thể thay đổi thành hình chiếc sừng bò hay hình chữ J tùy theo từng đối tượng khác nhau.
Từ ngoài vào trong, cấu tạo dạ dày gồm 5 lớp, cụ thể:
- - Lớp thanh mạc: Đây là lớp phúc mạc tạng bao bọc dạ dày
- - Lớp dưới thanh mạc
- - Lớp cơ: Gồm 3 lớp từ ngoài vào trong là cơ dọc, cơ vòng, cơ chéo
- - Lớp dưới niêm mạc
- - Lớp niêm mạc chứa các tuyến dạ dày. Các tuyến dạ dày gồm nhiều loại, tiết ra các chất khác nhau vừa có vai trò bảo vệ dạ dày như chất nhầy, vai trò tiêu hóa như HCl, men Pepsinogen,… vừa có vai trò nội tiết hay trung gian hóa học như gastrin, histamin… hay yếu tố nội giúp hấp thụ sinh tố B12.
Dạ dày vừa là nơi lưu trữ vừa là nơi chuyển hóa các chất trong thức ăn. Chức năng của cơ quan này gồm: Chức năng tiêu hoá. Chức năng vận động. Chức năng bài tiết. Chức năng nhu động.
Dạ dày là nơi chứa đựng và tiêu hóa thức ăn. Tất cả những thứ chúng ta ăn hoặc uống mỗi ngày đều phải được dạ dày tiêu hóa và đào thải. Do là nơi chứa thức ăn trực tiếp từ miệng vào, dạ dày phải hoạt động liên tục. Bất kỳ thói quen xấu hoặc thức ăn gây hại nào đều gây tác động tiêu cực tới cơ quan này, dễ dẫn đến các bệnh lý dạ dày trong đó hay gặp là trào ngược dạ dày.
2. Thế nào gọi là trào ngược dạ dày thực quản?
Ở người bình thường, sau khi thức ăn được đưa vào miệng và xuống đến thực quản, các cơ thắt thực quản giãn ra để cho thức ăn cùng các chất lỏng đi vào dạ dày rồi lại đóng lại. Tuy nhiên, người bị trào ngược dạ dày sẽ gặp tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên phần thực quản (đây là phần ống nối từ miệng đến dạ dày), khiến cho lớp niêm mạc thực quản bị kích thích và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày gồm acid HCL, pepsin, dịch mật, thậm chí là cả thức ăn bị đẩy ngược từ dạ dày lên thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản được chia làm 2 dạng là trào ngược sinh lý và trào ngược bệnh lý.
– Trào ngược sinh lý: Chức năng thường không ảnh hưởng sinh hoạt và phát triển thể chất của cơ thể.
– Trào ngược bệnh lý: Có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, viêm thực quản, và một số biến chứng hô hấp, tiêu hóa khác, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Những người bị trào ngược dạ dày thường bị ợ hơi, ợ nóng, ợ chua. Buồn nôn, nôn. Bệnh nhân cảm thấy đau rát ngực, nuốt khó, hay bị ho, khàn giọng. Tăng tiết nước bọt nhiều hơn bình thường. Dịch vị trào lên kèm theo dịch mật khiến người bệnh có cảm giác đắng miệng.
3. Dấu hiệu nhận biết trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản gây ra những triệu chứng khó chịu như ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, đặc biệt là vào ban đêm. Ngoài ra còn có các biểu hiện như:
- - Buồn nôn và có thể nôn ra thức ăn hoặc dịch vị, thường gặp nếu ăn quá no hoặc nằm liền sau ăn.
- - Đau tức ngực ở thượng vị. Cơn đau ở thượng vị hay cảm giác khó chịu sau xương ức có thể nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh tim mạch.
- - Gây ra phù nề, sưng tấy niêm mạc thực quản. Người bệnh có thể có cảm giác khó nuốt, vướng hoặc cảm giác như một cục nghẹn ở cổ.
- - Đau họng, ho kéo dài và khan tiếng.
- - Tăng tiết nước bọt, cảm giác đắng trong miệng.
4. Trào ngược dạ dày thực quản có lây không?
Trào ngược dạ dày thực quản không phải là bệnh lý di truyền nên không thể lây từ người này sang người khác.
5. Thay đổi thói quen ăn uống để hạn chế trào ngược dạ dày thực quản
Bên cạnh việc kiểm soát các thực phẩm đưa vào cơ thể, người bệnh cũng cần xây dựng thói quen ăn uống khoa học. Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày là phương pháp hiệu quả giúp giảm áp lực lên dạ dày thực quản, tránh tình trạng trào ngược.
Bên cạnh đó, ngay khi nhận thấy bất thường về vấn đề tiêu hóa, hãy trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán đúng, điều trị sớm nhằm đạt kết quả cao và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh cũng nên chú ý ăn chậm nhai kỹ, tránh nằm ngay sau khi ăn hay ăn trước khi ngủ.
Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì?
Bánh mì, bột yến mạch khả năng thấm hút dịch vị hiệu quả làm giảm lượng axit dư thừa, từ đó giảm triệu chứng đau thượng vị.
Đạm dễ tiêu đến từ các loại thịt, cá lạc có hàm lượng protein cao trong khi chứa ít các chất béo là thực phẩm thân thiện với dạ dày, đồng thời góp phần trung hòa axit, hạn chế tình trạng trào ngược.
Sữa chua giúp làm thuyên giảm các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ nóng… Đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch đường ruột.
Những thực phẩm cần tránh
Thực phẩm chứa nhiều chất béo hại như đồ chiên rán, bơ, phô mai, sốt kem…
Cà phê, bia rượu, đồ uống có ga.
Hoa quả có vị chua. Các món ăn, trái cây có vị chua sẽ làm tăng tiết dịch ở dạ dày, và điều này gây ra những tác hại không tốt cho người bệnh.
Các loại gia vị nồng, gắt như chanh, tỏi, ớt, tiêu, bạc hà… có thể kích thích niêm mạc dạ dày thực quản gây cảm giác nóng rát.
6. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thường có tỉ lệ tái phát rất cao, thế nên tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để cho các toa thuốc phù hợp, cộng với việc hướng dẫn bệnh nhân ăn uống lành mạnh để giảm triệu chứng và có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Người bị trào ngược dạ dày do stress thì trong quá trình dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, cần thực hiện cân đối công việc và tham gia các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí để giảm căng thẳng, lo lắng.
Trong trường hợp sử dụng thuốc không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để chữa dứt điểm. Đối với trào ngược dạ dày, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật Nissen hoặc phẫu thuật LINX.
Nguồn: SK&ĐS
- Trào ngược dạ dày thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
- Cách chữa bệnh thủy đậu cho trẻ nhanh khỏi
- Phân biệt viêm xoang và viêm mũi dị ứng, cách phòng bệnh
- Nội soi đại tràng
- Cách chữa đau thần kinh tọa, có khỏi không?
- Xạ trị trong điều trị ung thư, hiểu thế nào cho đúng?
- Bệnh thiếu máu: Nguyên nhân và cách điều trị
- Cách phân biệt ho do viêm phổi và cảm lạnh
- Ung thư vú: Phương pháp chẩn đoán và cách chăm sóc bản thân để phòng bệnh
- Ung thư dạ dày: Ai, độ tuổi nào cần tầm soát để phát hiện sớm?