Ung thư dạ dày: Ai, độ tuổi nào cần tầm soát để phát hiện sớm?

Đăng lúc: 14:41:23 12/10/2021 (GMT+7)

Ung thư dạ dày không giống như loại ung thư khác, ở giai đoạn sớm ung thư dạ dày hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng, thường phát hiện được tình cờ khi nội soi. Vì vậy, ai có nguy cơ ung thư dạ dày, độ tuổi nào cần tầm soát để phát hiện sớm… là vô cùng quan trọng.

Bài viết của TS. BS.Vũ Trường Khanh-Giám đốc trung tâm Tiêu hóa – Gan mật Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Thông thường ung thư dạ dày không biểu hiện, khi phát hiện, nhiều trường hợp đã ở giai đoạn trễ. Các biểu hiện thường thấy như đau bụng, đầy bụng, chán ăn, xuất huyết tiêu hóa như nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen là khi ung thư đã ở giai đoạn muộn.

Có nhiều phương pháp để chẩn đoán ung thư dạ dày nhưng phương pháp tốt nhất để phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm là nội soi.

Tổn thương ung thư sớm có thể rất nhỏ chỉ 2-3 mm trên hình ảnh nội soi, nhưng cũng có thể tới 3 - 4 cm mà vẫn còn ở giai đoạn sớm.

1.jpg
Đau bụng có thể là triệu chứng của ung thư dạ dày

Đối tượng nào có nguy cao mắc ung thư dạ dày?

Theo nghiên cứu, đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày thường gặp ở những trường hợp sau:

- Người có bố mẹ hoặc anh em ruột bị ung thư dạ dày (có tính chất gia đình), đặc biệt có người thân bị ung thư dạ dày ở tuổi dưới 40, dễ có nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

- Người bị cắt bán phần dạ dày sau 15 năm. Và những người đã từng phát hiện ung thư dạ dày sớm đã điều trị khỏi bằng cắt hớt hoặc tách cắt niêm mạc… cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.

- Nếu có viêm teo niêm mạc dạ dày nặng trên nội soi như: viêm teo thân vị hoặc toàn bộ niêm mạc dạ dày… cũng là đối tượng có nguy cơ mắc cao ung thư dạ dày.

- Những ai mắc hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình là đối tượng có nguy cơ mắc cao ung thư dạ dày và tuổi từ 40 tuổi nên nội soi dạ dày tầm soát tìm ung thư sớm.

2.jpg
Hình ảnh ung thư dạ dày

Ở Nhật Bản, Hàn Quốc các khuyến cáo tuổi từ 40 tuổi nên soi dạ dày để sàng lọc. Nhưng nội soi thấy không có hình ảnh viêm teo hoặc viêm teo nhẹ thì cứ 2 - 3 năm nội soi một lần.

Đối với người bị viêm teo mức độ nặng và hoặc có dị sản ruột lan tỏa thì mỗi năm nội soi dạ dày một lần để phát hiện sớm tình trạng thương tổn dạ dày.

Đối với các nước phương Tây, nơi mà tỷ lệ ung thư dạ dày thấp hơn việc khuyến cáo với những người viêm teo mức độ nặng và hoặc có dị sản ruột lan tỏa thì cứ mỗi 3 năm nội soi dạ dày một lần.

Vậy đối với người Việt Nam, tuy tỉ lệ ung thư dạ dày của chúng ta thấp hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng lại cao hơn nhiều so với các nước phương Tây. Do đó, các nhà nghiên cứu khuyến cáo người Việt Nam chúng ta nên chọn tầm soát nguy cơ ung thư dạ dày theo cách của Nhật Bản và Hàn Quốc.

3.jpg
Phương pháp tốt nhất để phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm là tiến hành nội soi

Những vấn đề gây trở ngại cho người bệnh:

Khi đề cập đến việc phát hiện ung thư dạ dày nhiều người nghĩ ngay tới nội soi dạ dày. Nhưng khá nhiều người vì đã từng đi nội soi dạ dày hoặc nghe người thân đã đi nội soi dạ dày kể lại rất sợ và lo lắng bởi mức độ khó chịu, ảnh hưởng của quá trình nội soi.

Tuy nhiên, ngày nay ngoài phương pháp nội soi thông thường có nhiều phương pháp nội soi mà người bệnh không cảm thấy khó chịu ngay cả khi nội soi cho trẻ em. Các phương pháp nội soi đã được tiến hành bao gồm: nội soi dạ dày qua đường mũi, nội soi có tiền mê hoặc gây mê sẽ đem lại sự dễ chịu cho người bệnh.

Liệu nội soi gây mê hoặc tiền mê có ảnh hưởng đối với sức khỏe hay không?

Xin khẳng định ngay rằng, về mặt y học hoàn toàn cho phép tiến hành mà không ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh nếu được tiến hành theo đúng quy trình.

Như vậy, ngày nay với phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật, tiến bộ trong y học ở Việt Nam hoàn toàn có thể phát hiện và điều trị ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm. Khi mọi người quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, cùng với sự mong muốn và cố gắng của các bác sĩ Tiêu hóa, Ung thư, chắc chắn ngày càng có nhiều người được phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm.
 

TS. BS. Vũ Trường Khanh
Giám đốc trung tâm Tiêu hóa – Gan mật Bệnh viện Bạch Mai
Sức khỏe & Đời sống