Loại khói hương nào có thể gây ung thư phổi?
Thắp hương dịp lễ Tết là một nghi lễ truyền thống, tuy nhiên nhiều loại hương có thể chứa các hoạt chất độc hại như benzen, toluene, xylenes… Nếu hít phải khói hương này lâu dài gây nguy hại cho sức khỏe trong đó có ung thư phổi.
Theo TS.BS. Nguyễn Minh Đức - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, hương (nhang) truyền thống thường làm thủ công từ vỏ cây, vỏ quả, thảo mộc ít hóa chất, nguồn gốc tự nhiên nhiều nên gần như không có hoặc rất ít gia tăng nguy cơ ung thư phổi.
Tuy nhiên, hiện có nhiều loại hương làm từ máy móc, nhiều hóa chất, chất tạo màu đỏ chót, chất tạo mùi, vòng thơm benzene nên gia tăng nguy cơ nhiều loại bệnh tật trong đó có ung thư phổi loại biểu mô vảy (Squamous cell carcinoma). "Nhang càng thơm tẩm ướp nhiều hóa chất thì lại càng nguy hiểm" - BS Minh Đức nhấn mạnh.
Hương càng thơm càng độc
Theo các chuyên gia, hiện nhiều loại hương được sản xuất thêm vật liệu hóa chất để tăng hương thơm, khả năng đốt cháy như acid photphoric, benzen... Các chất này có thể gây kích ứng mắt, mũi, chóng mặt, buồn nôn. Nếu tiếp xúc lâu, hệ thần kinh, gan, thận cũng bị ảnh hưởng. Chúng có thể tấn công các vật chất di truyền, biến đổi tế bào, đột biến gene gây ung thư.
Giải thích vấn đề này, các nhà chuyên môn cho rằng, cũng giống như khói thuốc lá, khói than, khói hương (nhang) nếu làm từ hóa chất thì có chứa các hoạt chất độc hại như benzen, toluene, xylenes….
Trong hương nhang bình thường, thành phần tạo mùi thơm là những hợp chất benzen. Khi đốt cháy, chất độc sẽ kích thích tác động liên kết bề mặt của đường hô hấp dẫn đến viêm hô hấp mạn tính, phá hủy các tổ chức cơ thể dẫn đến biến đổi tế bào, biến đổi gen gây ra các hiện tượng dị sản, loạn sản. Khi là tế bào ác tính, chúng sẽ biến thành tế bào ung thư.
Trước đây khói hương không độc hoặc ít độc vì hương được làm từ gỗ hương liệu như trầm hương, bột quế và hoa ngâu, mùn cưa chọn lọc và có các hương vị của thuốc bắc… Khi đốt, hương sẽ tỏa hương thơm không gây hại.
Thế nhưng ngày nay các nguyên liệu khan hiếm và đắt đỏ, nhiều người sản xuất vì muốn kiếm lời cao nên đã sử dụng nhiều tạp chất tẩm ướp tạo mùi thơm hơn nhưng chất lượng lại kém đi và độc hại.
Theo bác sĩ Minh Đức, hương càng thơm thì có thể chứa nhiều độc chất, bởi nếu sản xuất hương có nguyên liệu như trầm hương, bột quế và hoa ngâu, mùn cưa chọn lọc và có các hương vị của thuốc bắc thì mùi hương thơm nhẹ.
Khói hương có nguy cơ gây nhiều bệnh và ung thư phổi
Trong các dịp lễ, tết, tại nhiều nơi chùa, đình… hàng nghìn que hương thường được đồng loạt đốt lên, hoặc nhiều gia đình khi thắp hương hay đóng kín cửa khiến cho khói hương bị tụ lại một chỗ. Hít phải khói hương, nhẹ có thể ho, chảy nước mắt… Nếu hít nhiều, những nguy cơ tiềm ẩn nguy hại cho sức khỏe là rất lớn.
Giải thích về vấn đề này, bác sĩ Đức cho biết, hương khi đốt có thể tạo ra các loại khí độc hại như lưu huỳnh đioxit… Thường xuyên thắp hương trong nhà khiến người hít phải nhiều loại khói này hơn, nguy cơ gây ra các vấn đề về hô hấp như bệnh hen suyễn, COPD… Càng tiếp xúc nhiều với khói hương, các triệu chứng như khó thở, thở khò khè, ho càng nặng hơn.
Với người có cơ địa dị ứng, tiền sử viêm mũi dị ứng, viêm xoang... sẽ bị khó thở hoặc gặp các vấn đề về hô hấp khi thắp hương, càng hít nhiều khói hương càng khiến các triệu chứng tiến triển nặng.
Đặc biệt, nếu hít phải khói hương thường xuyên nguy cơ cao gây ung thư phổi. Cụ thể khi hít phải khói hương trong thời gian dài có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư đường hô hấp cao hơn, đặc biệt là với những người hút thuốc lá. Ngoài ra, việc đốt hương trong nhà còn làm tăng mức độ hóa chất liên quan tới ung thư, có tên gọi là hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs).
Cần làm gì tránh ung thư phổi do khói hương?
Theo bác sĩ Minh Đức, đốt hương là một văn hóa ở Á Đông, khi đốt hương nên cân nhắc 5 điều sau:
- Nên dùng hương có nguồn gốc tự nhiên có mùi dịu nhẹ dễ chịu, ít hại sức khỏe.
- Dùng hương ngắn đừng dùng loại có nhuộm màu vàng đỏ, nhũ kim tuyến, và tránh loại có mùi hương ngào ngạt.
- Không nên đốt nhiều, chỉ nên 1 cây là được. Không nên đốt loại hương siêu to, siêu dài, siêu khổng lồ.
- Không cắm hương trực tiếp vào đồ ăn làm phần màu nhuộm chân nhang làm dính vào đồ ăn; Không cắm dọc hương lên mâm ăn làm tàn rơi vào đồ ăn.
- Với người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người bị bệnh lý sẵn gồm cả bệnh ung thư thì hạn chế tiếp xúc nhiều với khói hương.
- Đặc biệt, người dân không đóng kín cửa khi thắp hương, vì lượng khí này sẽ lưu lại lâu trong phòng gây ra tác động xấu tới sức khỏe. Nếu có thể, sau khi thắp hương xong nên đi ra khỏi phòng, mở cửa phòng thông thoáng để không khí lưu thông.
Khánh Mai - SK&ĐS
- Những nhận biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
- Chăm sóc sức khỏe cho người bệnh bị viêm phổi
- THỜI TIẾT LẠNH, NGƯỜI BỆNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP CẦN LÀM GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT CƠN ĐAU
- Bệnh viện đa khoa Triệu Sơn thực hiện công văn số 5938/SYT-VP V/v sử dụng bộ tài liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền Đề án 06
- Người đái tháo đường cần lưu ý gì trong mùa lạnh?
- BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD)
- Thói quen khiến bạn nhanh già, lão hóa sớm
- Mùa hanh khô phòng viêm mũi dị ứng tái phát
- Đề phòng tăng huyết áp gây đột quỵ
- NGUY HIỂM KHÓ LƯỜNG KHI TIÊM KHỚP KHÔNG AN TOÀN