Cô đơn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson?
Sự cô đơn có thể khiến nhiều người cảm thấy bơ vơ, nhưng kết quả nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí JAMA Neurology còn cho thấy cô đơn cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
Nghiên cứu mới bao gồm hơn 490.000 người có thông tin lưu trữ tại cơ sở dữ liệu Biobank (Anh) được theo dõi trong 15 năm, đã cho thấy sự cô đơn dường như làm tăng khả năng bị chẩn đoán bệnh Parkinson lên 37%.
Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Angelina Sutin, giáo sư tại Khoa khoa học hành vi và y học xã hội thuộc Đại học Y khoa bang Florida (Mỹ) cho biết: "Mối liên quan giữa sự cô đơn và bệnh Parkinson không phải do các yếu tố nguy cơ di truyền, lâm sàng hoặc hành vi chung".
"Chúng tôi nhận thấy có mối liên quan giữa sự cô đơn và sự phát triển của bệnh Parkinson, chứ chưa khẳng định chắc chắn sự cô đơn gây ra bệnh Parkinson" - Angelina Sutin cho biết thêm.
Theo các nhà khoa học, sự cô đơn đã được Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật và Y học quốc gia (Mỹ), và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định là một mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng.
"Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng về những hậu quả liên quan đến sự cô đơn, đặc biệt là các bệnh lý thoái hóa thần kinh. Sự cô đơn có liên quan đến bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Nghiên cứu mới cho thấy rằng cô đơn cũng có thể là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh Parkinson. Có thể còn nhiều yếu tố khác liên quan tới bệnh Parkinson như hoạt động trao đổi chất, yếu tố viêm nhiễm, thần kinh và nội tiết" – các nhà khoa học cho hay.
Nhóm nghiên cứu cho biết, sự cô đơn dường như có liên quan đến tình trạng sức khỏe tổng thể của não kém hơn, có thể do tình trạng viêm nặng hơn hoặc các quá trình thoái hóa thần kinh khác và không nhất thiết phải là dấu hiệu cụ thể của bệnh Parkinson.
"Có thể sự cô đơn khiến não dễ bị thoái hóa thần kinh hơn, điều này khiến một số người có thể bị bệnh Alzheimer và một số người khác bị bệnh Parkinson. Trái lại, kết nối xã hội có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu mối liên quan này".
Tiến sĩ Alessandro Di Rocco, chuyên gia về thần kinh, bệnh Parkinson và rối loạn vận động tại Northwell Health ở thành phố New York (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi nhận thấy hầu hết những người cảm thấy cô đơn thường sống một mình. Tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều người lớn tuổi".
"Sống một mình có thể kéo theo một số hành vi không lành mạnh, ví dụ như nhiều người lớn tuổi sống một mình có thể không thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh mà chỉ ăn đồ ăn nhẹ, đồ ăn nhanh,…. Họ cũng có thể ít hoạt động thể chất hơn. Bên cạnh đó, sự cô đơn có thể không tốt cho não do thiếu sự kích thích não hàng ngày và nó cũng có thể mang đến cảm giác căng thẳng hoặc khó chịu về mặt tâm lý cao hơn. Điều này có thể dẫn đến não bộ dễ bị tổn thương hơn" - Di Rocco cho biết thêm.
Di Rocco cho rằng: "Hoạt động thể chất có thể làm chậm sự tiến triển bệnh và cải thiện hoạt động tinh thần, điều này giúp giảm nguy cơ bị các vấn đề về nhận thức".
BS. TÀI VĂN
- Chăm sóc sức khỏe cho người bệnh bị viêm phổi
- THỜI TIẾT LẠNH, NGƯỜI BỆNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP CẦN LÀM GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT CƠN ĐAU
- Bệnh viện đa khoa Triệu Sơn thực hiện công văn số 5938/SYT-VP V/v sử dụng bộ tài liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền Đề án 06
- Người đái tháo đường cần lưu ý gì trong mùa lạnh?
- BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD)
- Thói quen khiến bạn nhanh già, lão hóa sớm
- Mùa hanh khô phòng viêm mũi dị ứng tái phát
- Đề phòng tăng huyết áp gây đột quỵ
- NGUY HIỂM KHÓ LƯỜNG KHI TIÊM KHỚP KHÔNG AN TOÀN
- Bão số 4 sắp xuất hiện trên Biển Đông chỉ là tin giả