Chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa hè
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, côn trùng phát triển là thời điểm dễ phát sinh các loại bệnh lây qua đường tiêu hóa, bệnh lây do côn trùng như: tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết... Để chủ động phòng, chống các bệnh dịch truyền nhiễm bùng phát trong mùa hè, ngành y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động giám sát để xử lý nhanh khi dịch bệnh xảy ra.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành giám sát véc-tơ sốt xuất huyết.
Mới đây, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết tại thôn Hải Phúc 1, xã Hoằng Thắng. Bệnh nhân là nam, sinh năm 2002, là lao động tự do. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hải Tiến với triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ, xuất hiện nhiều chấm xuất huyết khu vực cánh cẳng tay, 2 bên chân, đau mỏi người và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và điều trị.
Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hoằng Hóa thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, giám sát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực nhà của bệnh nhân. Kết quả không ghi nhận thêm các trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết tại khu vực xung quanh nhà bệnh nhân; điều tra tại 30 hộ gia đình (xung quanh gia đình bệnh nhân trong bán kính 200m) không ghi nhận có sự lưu hành của muỗi Aedes với chỉ số MĐM Aedes = 0, chỉ số BI Aedes = 3.
Ông Lê Trọng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoằng Hóa cho biết: Với mục tiêu phát hiện sớm, không để bùng phát dịch trên diện rộng, giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây dịch, khống chế không để tử vong do bệnh truyền nhiễm tại cơ sở, trung tâm y tế huyện đã triển khai một số giải pháp cụ thể như: phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các bệnh thường gặp mùa hè; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, thuốc, dịch truyền... sẵn sàng xử lý kịp thời khi có dịch xuất hiện, cấp cứu các trường hợp mắc bệnh không để tử vong. Bên cạnh đó, trung tâm đã tăng cường điều tra giám sát dịch tại cơ sở để phát hiện ca bệnh, kịp thời xử lý không để dịch bùng phát trong cộng đồng; giám sát việc thực hiện vệ sinh môi trường và cấp hóa chất, trang thiết bị cho các xã, thị trấn khi có dịch; phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh khám, phát hiện, điều trị kịp thời cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết... Công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết cũng được thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực như: tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm... Ở các khu vực có ca mắc sốt xuất huyết, cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên hướng dẫn việc xử lý môi trường; giám sát, điều tra dịch tễ; xử lý môi trường, làm thủy vực diệt bọ gậy tại khu vực xung quanh nhà bệnh nhân, không để lây lan thành dịch.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 28.542 ca mắc cúm, 48 ca thủy đậu, 3.299 ca tiêu chảy, 2 ca sốt xuất huyết, 32 ca tay chân miệng... Tất cả các trường hợp mắc bệnh liên quan đến dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa đều được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có ca tử vong.
Trao đổi với ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, được biết: Để công tác giám sát, phòng chống dịch được chủ động và hiệu quả, không để dịch chồng dịch, ngành y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động giám sát để có biện pháp dự phòng tích cực, phối hợp công tác điều trị, khống chế không để lây lan thành dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường các hoạt động giám sát, chú trọng các bệnh cúm, ho gà, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng,... để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát ra cộng đồng; tăng cường và duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn; tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; bảo đảm đủ cơ số thuốc, vật tư và hóa chất tại cơ sở để đáp ứng khi có các tình huống dịch xảy ra. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho người dân trên hệ thống đài phát thanh xã, phường, thị trấn; kết hợp tuyên truyền qua hoạt động khám, chữa bệnh; hỗ trợ các xã, phường điều tra và xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cấp, ngành, ngành y tế tỉnh cũng khuyến cáo người dân nêu cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Khi phát hiện bệnh không tự ý điều trị tại nhà mà đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh lây lan. Để chủ động phòng, chống các bệnh mùa hè, người dân có thể thực hiện 4 biện pháp đơn giản là vệ sinh cá nhân, nơi ở, vệ sinh môi trường và tiêm chủng đầy đủ; rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày; lau rửa sàn nhà và đồ chơi của trẻ hàng ngày bằng chất tẩy rửa thông thường; hãy đổ, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết để diệt loăng quăng nhằm phòng chống sốt xuất huyết; đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em.
Bài và ảnh: Tô Hà - Baothanhhoa.vn
- Những nhận biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
- Chăm sóc sức khỏe cho người bệnh bị viêm phổi
- THỜI TIẾT LẠNH, NGƯỜI BỆNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP CẦN LÀM GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT CƠN ĐAU
- Bệnh viện đa khoa Triệu Sơn thực hiện công văn số 5938/SYT-VP V/v sử dụng bộ tài liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền Đề án 06
- Người đái tháo đường cần lưu ý gì trong mùa lạnh?
- BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD)
- Thói quen khiến bạn nhanh già, lão hóa sớm
- Mùa hanh khô phòng viêm mũi dị ứng tái phát
- Đề phòng tăng huyết áp gây đột quỵ
- NGUY HIỂM KHÓ LƯỜNG KHI TIÊM KHỚP KHÔNG AN TOÀN