Bệnh ung thư nào đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc, dẫn đầu về ca tử vong ở nước ta?

Đăng lúc: 13:27:34 13/01/2025 (GMT+7)

Ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư. Giống như các bệnh ung thư khác, khả năng sống của bệnh nhân ung thư phổi, hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào việc chẩn đoán sớm hay muộn...

Những thông tin trên được TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đưa ra tại hội thảo Cập nhật chẩn đoán và điều trị ung thư phổi trong thực hành lâm sàng do bệnh viện này tổ chức 10/1.

"Đây cũng là một trong những nhân tố hết sức quan trọng quyết định kết quả điều trị, tỷ lệ sống của bệnh nhân sau chẩn đoán. Mục tiêu của chúng ta là phát hiện thật sớm bệnh. Vì thế, những buổi sinh hoạt khoa học đóng vai trò quan trọng để chúng ta cùng xem lại các tiến bộ mới trong chẩn đoán, áp dụng thực tế lâm sàng để giúp chẩn đoán, điều trị hiệu quả hơn"- TS.BS Dương Đức Hùng nói.

Bệnh ung thư nào đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc, dẫn đầu về ca tử vong ở nước ta?- Ảnh 1.
 

TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phát biểu.

Dù ở giai đoạn sớm, ung thư phối vẫn có khả năng tái phát trong vòng 2 năm sau mổ

Thông tin tại hội nghị cho thấy những năm gần đây, lĩnh vực ung thư nói riêng, ung thư phổi nói chung, có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị (hóa trị liệu, ứng dụng gen…), điều này đã góp phần thay đổi bức tranh về bệnh, kéo dài cuộc sống của người bệnh. 

Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau vùng Đông Bắc Á, có tỷ lệ mắc ung thư phổi rất cao. Tương tự, tỷ lệ tử vong do bệnh này bệnh ung thư này cũng lên đến 15-20 bệnh nhân trên 100.000 dân. 

Theo thống kê của tổ chức ung thư toàn cầu Globocan, mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận gần 25.000 ca mắc ung thư phổi mới và 22.500 ca tử vong. Tỉ lệ mắc ung thư phổi cao thứ hai, chỉ sau ung thư gan. Đáng nói, hiện chỉ có 25% -30% người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Điều này làm giảm hiệu quả điều trị và tăng chi phí điều trị.

Thời gian qua nhiều cơ sở y tế cũng ghi nhận nhiều trường hợp người trẻ tuổi mắc ung thư phổi. Vì vậy, khi có các dấu hiệu như ho kéo dài, đau tức ngực, khàn giọng kéo dài, thở khò khè, khó thở, cân nặng giảm bất thường,… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, đặc biệt là những người có nguy cơ như hút thuốc lá, có người thân mắc bệnh…

Thông tin tại hội nghị, TS.BS Đào Văn Tú, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K cho biết thêm, tỷ lệ chẩn đoán ở giai đoạn sớm, có khả năng cắt bỏ thấp.

Trong 10 năm gần đây, thế giới đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi, tuy nhiên một điều đáng lưu ý là dù ở giai đoạn sớm thì vẫn có khoảng trên 80% tái phát xảy ra trong vòng 2 năm sau mổ. Tái phát di căn xa thường gặp hơn tái phát tại chỗ. 

Vì thế, chiến lược điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm cần tối ưu hóa lợi ích của việc kết hợp phẫu thuật và điều trị toàn thân. Trong đó, bên cạnh phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, còn các phương pháp điều trị mới như miễn dịch, trúng đích. Khoảng 30-60% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen EGFR, 5% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen ALK. Cách phát hiện sớm ung thư phổi.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư phổi

PGS.TS Lê Thanh Dũng, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Các yếu tố nguy cơ của bệnh gồm hút thuốc chủ động, hút thuốc lá bị động, ô nhiễm môi trường, chế độ ăn sinh hoạt, tuổi (tỷ lệ mắc ung thư tăng theo tuổi)…

Trong đó, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra 90% trường hợp ung thư phổi. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn khoảng 20 lần so với người không hút thuốc lá. Một số người có yếu tố di truyền sẽ càng dễ bị ung thư phổi nếu hút thuốc.

Bệnh ung thư nào đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc, dẫn đầu về ca tử vong ở nước ta?- Ảnh 2.

PGS.TS Lê Thanh Dũng, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Các yếu tố nguy cơ của bệnh gồm hút thuốc chủ động, hút thuốc lá bị động, ô nhiễm môi trường, chế độ ăn sinh hoạt, tuổi (tỷ lệ mắc ung thư tăng theo tuổi)…

Theo PGS Dũng, để phát hiện sớm ung thư phổi, sàng lọc ung thư phổi bằng CT liều thấp (LDCT) là một chiến lược hình ảnh bắt đầu được áp dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ cao ở một số hệ thống y tế. 

Hiệp hội Ung thư Mỹ Khuyến nghị sàng lọc ung thư phổi bằng LDCT cho những người: 

- Đang hoặc đã từng hút thuốc và có tiền sử hút thuốc ít nhất 20 bao/năm;

- Tuổi từ 50-80;

- Không có tiền sử ung thư phổi.

Trong khi đó, X-quang ngực, tế bào học đờm chưa được chứng minh là có hiệu quả trong sàng lọc ung thư phổi.

"CT liều thấp có thể phát hiện sớm những nốt đơn độc ở phổi, kích thước dưới 3cm. Tổn thương này có thể là lành tính (nhiễm trùng, viêm, xuất huyết…) hoặc ác tính (ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư phổi tế bào nhỏ). Ước tính 20-30% các trường hợp ung thư phổi có xuất hiện nốt đơn độc ở phổi, 1/3 các nốt này trở thành ác tính"- PGS.TS Lê Thanh Dũng nói.

PGS Dũng đánh giá chụp CT liều thấp có hiệu quả rất cao trong việc sàng lọc sớm ung thư phổi. Bệnh nhân có thể chụp nhiều lần, 3-6 tháng một lần để theo dõi mà không lo về vấn đề nhiễm xạ của bệnh nhân.

Triệu chứng ung thư phổi

Thông thường ung thư phổi ở giai đoạn sớm không có triệu chứng. Khi ung thư ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể có những triệu chứng như:

- Ho (có thể ho khan, ho đờm hay ho máu ).

- Đau tức ngực, khó thở, khàn tiếng.

- Sút cân, đau mỏi cơ thể

Hoặc có thể phù mặt, cổ và ngực khi tĩnh mạch lớn trong lồng ngực bị chèn ép.

Nếu khối u ở vị trí đỉnh phổi, có thể có triệu chứng đau ở tay, vai và cổ. Ở giai đoạn muộn khi có di căn xương, gan, não … bệnh nhân có thể có triệu chứng đau nhức xương, đau cột sống ( di căn xương ), đau tức bụng ( di căn gan ), đau đầu, lẫn lộn, sụp mí mắt, nhìn mờ, yếu tay chân ( di căn não ). Tất cả các triệu chứng trên có thể do các nguyên nhân bệnh lý khác không phải ung thư phổi. Nhưng khi có các triệu chứng kể trên, bệnh nhân cần đi khám tại các cơ sở chuyên khoa.

Nguồn: SK&ĐS