Liên tục rượu bia dịp nghỉ lễ, nhiều người nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa
Việc sử dụng rượu bia nhiều hơn trong dịp nghỉ lễ khiến nhiều người có nguy cơ bị xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản và rách thực quản…
Tình trạng sử dụng rượu bia dù đã được cảnh báo rất nhiều song vẫn diễn ra phổ biến ở mức đáng báo động. Điều này không chỉ gây nhiều hệ lụy xấu cho cộng đồng và xã hội mà còn tàn phá nghiêm trọng sức khỏe của cá nhân người sử dụng.
Anh N.T.H (63 tuổi, ở Thái Nguyên) có tiền sử xuất huyết tiêu hóa 8 lần do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, xơ gan 4 năm. Bệnh nhân vào viện vì nôn ra 1 lít máu tươi và máu cục, đại tiện phân đen. Khi đến viện, anh H. rơi vào tình trạng da xanh, niêm mạc rất nhợt, có tình trạng sốc mất máu. Người nhà anh H. cho biết, ở nhà, anh này thường xuyên dùng 500ml rượu bia mỗi ngày.
Các bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, kết luận tình trạng xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản và chỉ định nội soi cấp cứu.
Một bệnh nhân nam (29 tuổi, ở Vĩnh Phúc) nhập viện vì lý do nôn ra máu, đi đại tiện phân máu và đau bụng. Qua tìm hiểu, các bác sĩ được biết trước khi nhập viện 2 ngày bệnh nhân có uống nhiều bia rượu, sau đó về nhà nôn rất nhiều, đau dữ dội ở vùng thượng vị.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa trên cần hồi sức và cầm máu khẩn cấp. Đây là một trường hợp điển hình của hội chứng Mallory-Weiss, thường gặp ở nam giới tuổi 30-50. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh là do bệnh nhân uống nhiều rượu bia. Say rượu nôn nhiều làm rách niêm mạc thực quản.
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do lạm dụng rượu bia. Chỉ trong 5 ngày bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu nội soi cho 13 trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, ổ loét dạ dày liên quan đến rượu, bia.
Thực tế cho thấy, khá nhiều bệnh nhân đến điều trị xuất huyết tiêu hóa, hầu hết các ca nhập viện đều đã quá nặng, có đến trên 50% bệnh nhân chức năng gan đã giảm.
Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa
Có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa. Ở dạ dày, các nguyên nhân gây viêm loét như: rượu, xoắn khuẩn Helocobacter pylori, aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau, stress… hoặc các bệnh lý ác tính như ung thư dạ dày đều có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Ở ruột, loét thành tá tràng là nguyên nhân rất thường gặp gây xuất huyết.
Chảy máu do xuất huyết tiêu hóa nhiều khi thường bị nhầm lẫn với chảy máu do trĩ, bệnh polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, các bệnh lý khác như viêm loét đại trực tràng. Vì vậy, khi thấy hiện tượng bất thường, bệnh nhân cần đi khám để xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời.
Biểu hiện và điều trị xuất huyết tiêu hóa
Khi bị xuất huyết tiêu hóa thường rất dễ nhận biết bởi các biểu hiện đặc trưng như mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, nôn ra máu rất nhiều, đi đại tiện ra máu, đại tiện phân đen như bã cà phê. Mức độ mất máu có thể nhẹ tới vừa, thậm chí nhiều trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ đại tiện phân đen 2-3 lần trong ngày người mệt mỏi vã mồ hôi, chân tay lạnh, niêm mạc nhợt nhạt, vật vã, có khi ngất xỉu, mạch nhỏ, huyết áp tụt, thở nhanh nếu không cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh nên đi khám sớm để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Việc điều trị xuất huyết tiêu hóa phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ, nguyên nhân, vị trí chảy máu… Ngoài việc điều trị triệu chứng, cần ổn định các chức năng sống khi bị mất máu nặng, kết hợp dùng các thuốc co mạch, giảm tiết, kháng sinh…
Bệnh nhân có thể được chỉ định nội soi can thiệp, qua đó rất nhiều trường hợp xuất huyết đã được xử lý tốt như: xử trí xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày – tá tràng, xử lý giãn tĩnh mạch thực quản bằng thắt vòng cao su… Ở nước ta hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được thủ thuật này. Việc điều trị nội khoa đặc hiệu, làm thủ thuật hoặc phẫu thuật cho bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa có thể được chỉ định khi có sự cân nhắc của thầy thuốc chuyên khoa.
Để phòng bệnh xuất huyết tiêu hóa
Phòng bệnh xuất huyết tiêu hóa không nên uống rượu bia, hút thuốc lá quá nhiều, đặc biệt là các loại rượu mạnh.
- Không dùng các thuốc và thức ăn có hại cho dạ dày. Nên ăn tăng cường chất xơ và rau quả để dạ dày hoạt động tốt hơn.
- Cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Đối với những bệnh nhân đang trong thời gian điều trị xuất huyết tiêu hóa cần dùng các thức ăn mềm, ăn thành nhiều bữa từ 4-5 bữa/ ngày.
- Nên ăn nhiều đồ ăn chứa tinh bột và chất khoáng như: cơm, mỳ, khoai và nhiều loại hoa quả chín, rau củ, sữa. Chúng chứa nhiều kali, có tác dụng giúp tiêu hóa tốt, giảm huyết áp ở người bệnh. Trung bình một quả chuối có 400mg kali, tương đương với 1 ly nước cam hay một củ khoai tây nướng.
- Tránh ăn thức ăn lên men chua, ăn nhiều muối, đồ cay nóng và nước ngọt có gas gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc tiêu hóa, làm giảm chức năng gan, thận tăng nguy cơ của bệnh.
- Năng lượng trong khẩu phần nên giảm bớt để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho cỗ máy tiêu hóa và tuần hoàn.
Khi bệnh nhân bị xuất huyết, tùy theo mức độ và nguyên nhân mà có phương án điều trị thích hợp, nhưng trước người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của các bác sĩ.
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống.
- Có phải phụ nữ mãn kinh đều bị loãng xương không?
- Bệnh đái tháo đường có chữa khỏi không? Cách nào kiểm soát hiệu quả?
- Liên tục rượu bia dịp nghỉ lễ, nhiều người nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa
- CÁCH SƠ CỨU KHI BỊ RẮN CẮN (RẮN ĐỘC): ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN LÀM
- Viêm tai giữa cấp: Triệu chứng và phương pháp điều trị
- Lời kêu gọi toàn dân đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID
- Lợi ích khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip
- CÁC NGUYÊN TẮC SƠ CỨU KHI BỊ BỎNG
- Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng
- HƯỚNG DẪN PHÒNG TRÁNH TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ EM