Đo điện tim khi nào, ai cần đo?

Đăng lúc: 08:50:12 09/11/2023 (GMT+7)

Đo điện tim (Điện tâm đồ - ECG) là phương pháp đơn giản, an toàn để đo hoạt động điện của tim và được sử dụng rộng rãi trong y học. Đây là một chỉ định có thể áp dụng cho mọi đối tượng để chẩn đoán và theo dõi một số bệnh lý về tim.

Vậy, khi nào cần đo điện tim, những ai cần được chỉ định làm xét nghiệm này?

Đo điện tim có tác dụng gì?

Các bệnh lý về tim mạch là những bệnh nguy hiểm, thường gặp và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Để phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch thì đo điện tim là phương pháp không thể thiếu khi tầm soát bệnh tim mạch.

Đo điện tim là một kỹ thuật không xâm lấn, không gây đau giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán được nhiều bất thường của tim như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, suy tim, rối loạn các chất điện giải trong máu, dày thành cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim, tâm phế mạn,...

Đây là một kỹ thuật ghi lại các biến đổi của dòng điện dẫn truyền trong tim không gây tổn hại sức khỏe, giá thành tương đối thấp và là xét nghiệm cơ bản, thường quy trong khám chữa bệnh cho người cao tuổi và khám sức khỏe định kỳ.

Đo điện tim khi nào, ai cần đo? - Ảnh 1.
 

Đo điện tim là một xét nghiệm ghi lại hoạt động điện học của tim dưới dạng đồ thị.

Ai cần đo điện tim?

Ai cũng có thể thực hiện đo điện tim kể cả tuổi còn trẻ và không có bất kỳ dấu hiệu bệnh tim nào. Đôi khi một số bệnh lý tim mạch, ví dụ như rối loạn nhịp tim có rất ít triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu nên đa số người bệnh khó nhận ra được. Đo điện tim là cách đơn giản và nhanh chóng nhất để phát hiện một số bệnh lý tim mạch sớm.

Những người nên đo điện tim định kỳ nếu có nguy cơ mắc bệnh tim mạch như: trên 55 tuổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm… hoặc nhập viện cấp cứu vì bất kể nguyên nhân gì.

Ngoài ra, đo điện tim thường được chỉ định cho những người có triệu chứng bệnh tim mạch: đau tức ngực, đánh trống ngực, chóng mặt, ngất xỉu, khó thở, mệt mỏi nghiêm trọng... trước khi phẫu thuật để đánh giá sức khỏe tim. Những người đang mắc bệnh tim mạch cần đánh giá và theo dõi hiệu quả điều trị hay sau khi điều trị nhồi máu cơ tim, viêm nội tâm mạc hoặc sau phẫu thuật tim, thông tim, cấy ghép máy tạo nhịp tim.

Đo điện tim có ảnh hưởng gì không?

- Đo điện tim là xét nghiệm an toàn, không gây tổn hại đến sức khỏe, có thể làm bất kỳ thời điểm nào, không liên quan đến bữa ăn, không phải nhịn đói khi làm điện tâm đồ.

- Tùy thuộc vào diễn biến của bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định có thể làm điện tâm đồ nhiều lần trong các khoảng thời gian khác nhau.

- Để tránh gây nhiễu cho các điện cực ghi điện tim, khi tiến hành làm điện tim, người bệnh cần nằm yên tĩnh, tháo các vật dụng kim loại ra khỏi cơ thể (đồng hồ, thắt lưng, chìa khóa…), cởi nút áo bộc lộ vùng ngực, hai tay đặt song song thân người, hai chân duỗi thẳng.

Đo điện tim khi nào, ai cần đo? - Ảnh 2.

Điện tâm đồ đặt điện cực lên ngực, cổ tay và cổ chân.

- Người bệnh sẽ được nhân viên y tế giải thích về kỹ thuật và hướng dẫn các thủ tục trước khi tiến hành xét nghiệm.

- Người bệnh cần thả lỏng và tuân thủ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế trong quá trình đo. Trong suốt quá trình đo đo điện tim cần nằm yên thư giãn. Căng thẳng hoặc cử động có thể làm thay đổi kết quả. Điện tâm đồ không gây đau đớn và cũng không có bất kỳ biến chứng nào một số hiếm người có thể bị kích ứng tại vị trí dán điện cực.

Trước khi đo điện tim, không tập thể dục hoặc hút thuốc lá để tránh gây ra kết quả sai. Nếu kết quả đo điện tim bất thường, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán hoặc loại trừ một số nguyên nhân gây ra bất thường về tim.

Ngoài đo điện tim thường, người bệnh có thể cần làm thêm một số xét nghiệm khác nếu bác sĩ nghi ngờ rối loạn nhịp tim hoặc thiếu máu cơ tim. Thiết bị đo điện tim di động sẽ được gắn trên cơ thể để theo dõi nhịp tim liên tục trong 24 giờ.