Các bệnh hay bùng phát mùa đông xuân và cách phòng ngừa

Đăng lúc: 00:00:00 11/02/2024 (GMT+7)

Cuối mùa đông và đầu mùa xuân là lúc thời tiết lạnh, mưa nhiều, nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển nhanh tăng nguy cơ gây bệnh cho con người.

Vào thời điểm này thường diễn ra các lễ hội, mọi người đi lại nhiều nên có nguy cơ lây truyền các bệnh nguy hiểm dễ lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa đông xuân.

Các bệnh hay mắc mùa đông xuân

Viêm khí - phế quản cấp tính

Virus cúm influenza A và B, các virus parainfluenza, virus hợp bào hô hấp, virus hạch, virus đường mũi... khi gặp điều kiện thuận lợi kể trên sẽ sinh sôi và phát tác rất nhanh, gây viêm khí - phế quản cấp mùa đông – xuân. Các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thường gối chồng lên các biểu hiện của viêm khí - phế quản.

Với bệnh viêm khí - phế quản cấp, cách phòng bệnh tốt nhất chính là là giữ ấm cơ thể, nhất là vùng ngực và cổ. Khi bị bệnh, nên có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi tốt kết hợp với dùng kháng sinh thông thường chống bội nhiễm.

Viêm mũi dị ứng

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là do cơ thể giải phóng histamin khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Histamin là một chất hóa học tự nhiên giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây dị ứng nhưng nó lại gây viêm mũi dị ứng.

Các triệu chứng thông thường của người mắc viêm mũi dị ứng gồm chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi; đỏ mắt, chảy nước mắt; hắt xì liên tục; có thể cảm thấy tức ngực, khó thở; mệt mỏi; sợ ánh sáng. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể kèm theo khóc nhiều do khó chịu; lười bú, chán ăn và khó ngủ do nghẹt mũi.

Các triệu chứng diễn ra trong khoảnh khắc hoặc kéo dài vài ngày đến cả tuần rồi tự biến mất. Tuy không đặc biệt nghiêm trọng nhưng các triệu chứng kéo dài sẽ gây khó chịu, mệt mỏi, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, nhất là việc ăn, ngủ của trẻ nhỏ.

Tay chân miệng

Biểu hiện lâm sàng của bệnh tay chân miệng giống bất kể chủng vi rút gây bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm EV71 có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Chẳng hạn biến chứng viêm màng não, viêm não do virus, hoặc tổn thương cơ tim. Điều đáng lưu ý là hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy thái độ tích cực nhất đối với bệnh tay chân miệng là dự phòng không để mắc bệnh.

Bệnh tay chân miệng dễ lây từ người sang người. Trẻ em mắc bệnh chủ yếu do nuốt phải virus gây bệnh. Virus gây bệnh tay chân miệng có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua phân, dịch đường tiêu hóa, nước bọt và mụn nước.

Đây là nhóm virus có sức sống bền bỉ. Nó có khả năng tồn tại từ nhiệt độ lạnh đến rất cao: Trong 30 phút virus mới bị bất hoạt ở nhiệt độ 560 độ C; Ở nhiệt độ lạnh - 40 độ C, virus có thể tồn tại đến 3 tuần ngoài môi trường. Các bề mặt trong môi trường sinh hoạt chung mà có người bệnh thường là những nơi có chứa virus như dụng ăn uống, mặt bàn, ghế, giường, đồ chơi chung …

Trẻ em tiếp xúc với mầm bệnh từ môi trường chủ yếu thông qua bàn tay, rồi đưa lên miệng, và nuốt phải virus. Giới chuyên môn gọi là lây truyền qua "tiếp xúc". Tay chân miệng là bệnh rất dễ lây lan thành dịch.nếu được phát hiện sớm và theo dõi chặt chẽ sẽ có quá trình điều trị nhẹ nhàng, dự phòng được các biến chứng và hạn chế được nguy cơ tử vong.

Viêm da cơ địa tái phát khi trời lạnh

Bệnh viêm da cơ địa thường xảy ra vào mùa lạnh, khi môi trường khô hanh và độ ẩm thấp. Viêm da cơ địa mùa đông thường đi cùng với nhiều tổn thương da, da khô hơn nên trở nên dễ kích ứng với các dị nguyên bên ngoài. Khi da mất dần độ ẩm, người bệnh thường có cảm giác ngứa, dẫn đến gãi làm da trầy xước và tổn thương nhiều lên. Da bị mất nước là do thời tiết lạnh khô, người bệnh thường không cảm thấy khát nên không cung cấp đủ nhu cầu nước hằng ngày.

Trong giai đoạn cấp tính, da thường nổi nhiều sẩn đỏ, đi kèm với mụn nước nhỏ trên nền ban đỏ và không có vảy da. Các vùng da bị ảnh hưởng bị phù nề, ứ dịch và đóng vảy dạng vảy tiết. Mụn nước và sẩn đỏ xuất hiện phổ biến nhất ở vùng má, trán, cằm, lan ra thân mình và tay chân trong các trường hợp nặng.

Vào giai đoạn mãn tính, bệnh nhân phải đối diện với tình trạng tăng sừng, liken hóa tạo các mảng nổi gồ lên bề mặt da, ranh giới rõ với vùng da lành. Mảng liken da lớn thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mặt trước sau của nếp gấp khuỷu, hố khoeo và vùng gáy.

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh. Ảnh minh họa
 

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh. Ảnh minh họa

Cách phòng ngừa dịch bệnh mùa đông xuân

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh, chúng ta chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, đó là:

  • Tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh theo đúng lịch, nhất là các đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em (đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm ...).
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
  • Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, nếu cần thiết phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang.
  • Thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý có đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước súc miệng và nước muối sinh lý.
  • Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
  • Vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.