Lộ trình thực hiện công tác quản lý chất lượng ở bệnh viện (Điều 20, TT số 19/2013/TT-BYT)

1. Giai đoạn I: 2013-2015

a) Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý chất lượng tại các Sở Y tế, Y tế ngành và các bệnh viện;

b) Mỗi bệnh viện tổ chức hoặc cử nhân viên tham dự các khóa đào tạo, huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng về quản lý chất lượng do các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện;

c) Bệnh viện áp dụng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn quản lý chất lượng do Bộ Y tế ban hành hoặc thừa nhận để tự đánh giá và cải tiến chất lượng;

d) Khuyến khích các bệnh viện áp dụng thí điểm các mô hình, phương pháp chất lượng và các bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng.

2. Giai đoạn II: 2016 – 2018

a) Bệnh viện đánh giá hiệu quả việc áp dụng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ số, mô hình, phương pháp chất lượng;

b) Đào tạo cán bộ chuyên trách quản lý chất lượng bệnh viện;

c) Tự nguyện đăng ký với tổ chức chứng nhận chất lượng để đánh giá chất lượng bệnh viện;

d) Các cơ quan quản lý tiến hành đánh giá, thẩm định và công nhận chất lượng bệnh viện.

3. Giai đoạn III: Sau năm 2018

Bệnh viện tiếp tục áp dụng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ số, mô hình, phương pháp chất lượng và đăng ký chứng nhận chất lượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập.

Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế

1. Thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế với các nội dung chủ yếu sau:

a) Xác định chính xác người bệnh, tránh nhầm lẫn khi cung cấp dịch vụ;

b) An toàn phẫu thuật, thủ thuật;

c) An toàn trong sử dụng thuốc;

d) Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện;

đ) Phòng ngừa rủi ro, sai sót do trao đổi, truyền đạt thông tin sai lệch giữa nhân viên y tế;

e) Phòng ngừa người bệnh bị ngã;

g) An toàn trong sử dụng trang thiết bị y tế.

2. Bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người bệnh, khách thăm và nhân viên y tế; tránh tai nạn, rủi ro, phơi nhiễm nghề nghiệp.

3. Thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo sai sót chuyên môn, sự cố y khoa tại các khoa lâm sàng và toàn bệnh viện, bao gồm báo cáo bắt buộc và tự nguyện.

4. Xây dựng quy trình đánh giá sai sót chuyên môn, sự cố y khoa để xác định nguyên nhân gốc, nguyên nhân có tính hệ thống và nguyên nhân chủ quan của nhân viên y tế; đánh giá các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

5. Xử lý sai sót chuyên môn, sự cố y khoa và có các hành động khắc phục đối với nguyên nhân gốc, nguyên nhân có tính hệ thống và nguyên nhân chủ quan để giảm thiểu sai sót, sự cố và phòng ngừa rủi ro.
 

Để người bệnh được chăm sóc sức khoẻ có chất lượng, đảm bảo:

1) An toàn - tránh gây hại cho những người bệnh trong quá trình chăm sóc;

2) Hiệu quả - cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa trên bằng chứng khoa học;

3) Lấy người bệnh làm trung tâm - cung cấp dịch vụ chăm sóc đáp ứng các sở thích, nhu cầu và giá trị riêng lẻ của từng cá nhân

4) Kịp thời - giảm thời gian chờ đợi, nhất là sự chậm trễ làm bệnh diễn tiến nặng hơn.

Để lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe có chất lượng đến với mọi người, cung cấp dịch vụ chăm sóc phải đảm bảo:

5) Công bằng - cung cấp dịch vụ chăm sóc có chất lượng không phân biệt giới tính, dân tộc, vị trí địa lý và tình trạng kinh tế của người bệnh

6) Tích hợp - dịch vụ chăm sóc sức khoẻ luôn sẵn có và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chăm sóc trong suốt quá trình cuộc sống;

7) Hiệu năng - tối đa hóa lợi ích của các nguồn lực sẵn có và tránh gây lãng phí.

Như vậy, theo định nghĩa này, chất lượng chăm sóc phải đo lường được, nhằm cải thiện sức khỏe hơn là chỉ đơn giản tăng đầu vào hoặc cải tiến quy trình hệ thống, và phải đáp ứng mong đợi của các bên liên quan, bao gồm người dân sử dụng dịch vụ và cộng đồng.

- Đơn vị và các khoa, phòng bám sát các tiêu chí bệnh viện xanh sạch đẹp theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp.
- Bệnh viện có Kế hoạch tập huấn cho nhân viên y tế về giao tiếp ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch cải tiến chất lượng BV, tổ QLCLBV tích cực kiểm tra, đôn đốc các khoa, phòng thực hiện công tác cải tiến CLBV theo Bộ tiêu chí.
- Tiến hành tự chấm điểm và đánh giá chất lượng BV6 tháng đầu năm và cuối năm theo Bộ tiêu chí.