Nội soi đại tràng

Đăng lúc: 14:00:00 30/10/2023 (GMT+7)

Hiện nay khoa chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Triệu Sơn đang thực hiện kỹ thuật nôi soi đại tràng gây mê không đau và nội soi không gây mê.

1. Nội soi đại tràng là gì?

- Ống tiêu hóa vốn dĩ là một bộ phận gây nhiều khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh lý, đặc biệt, đại tràng (ruột già) lại còn nằm ở đoạn cuối nên càng phức tạp hơn. Trong các phương pháp chẩn đoán thì nội soi đại tràng thường được ưu tiên bởi độ chính xác của chúng.

- Theo đó, phương pháp này được tiến hành bằng cách sử dụng một ống dài, mềm, linh hoạt, đường kính khoảng 1cm rồi đưa từ lỗ hậu môn qua đại tràng manh tràng. Trên ống này có gắn máy quay phim nhỏ cùng với đèn soi. 

- Nhờ vậy, khi đi vào các cơ quan này, chúng có thể ghi lại được các hình ảnh thực tế với độ nét và độ phóng đại cao. Qua đó, bác sĩ có thể quan sát, xem xét, đánh giá và phát hiện những tổn thương như loét, polyp, ... nếu có. 

Hơn nữa, chúng còn giúp các dấu hiệu ung thư ngay từ giai đoạn sớm được phát hiện một cách dễ dàng hơn mà nếu dùng siêu âm hoặc chụp X-quang không thể thực hiện được.

Thông thường, việc nội soi có thể được thực hiện theo cách gây mê hoặc không gây mê.

Với phương pháp không gây mê, có ưu điểm là chi phí thấp và bệnh nhân tỉnh táo trong suốt quá trình tiến hành. Bởi tỉnh táo nên sẽ cảm thấy khó chịu, thậm chí là đau đớn. Đó là còn chưa kể nếu bệnh nhân thay đổi tư thế có thể khiến cho lòng đại tràng bị tổn thương.

Phương pháp gây mê có chi phí cao hơn song lại khắc phục được hoàn toàn những hạn chế trên, chẳng hạn như:

+ Thời gian thực hiện nhanh chóng, không gây đau đớn, giảm khó chịu.

+ Việc thực hiện rất dễ dàng và thuận lợi đặc biệt trong trường hợp nếu cần lấy dị vật hoặc cắp polyp.

nội soi đại tràng 2.jpg

2. Trường hợp nào cần thực hiện nội soi đại tràng?

Nội soi đại tràng có thể được thực hiện với những mục đích như:

+ Chẩn đoán các bệnh lý thuộc đường ruột, chẳng hạn: táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính, đau bụng, đi ngoài ra máu, ...

+ Tầm soát ung thư cũng như một số bệnh lý khác thuộc đường tiêu hóa, chẳng hạn: ung thư hoặc polyp đại trực tràng,...

+ Điều trị các vấn đề thuộc đại trực tràng như: lấy dị vật, điều trị polyp, xoắn đại tràng, trĩ, ... 

+ Theo dõi bệnh thuộc đại trực tràng sau phẫu thuật cắt hoặc sau điều trị.

Dịch vụ này thường được chỉ định trong một số trường hợp như:

+ Đau bụng mà không rõ nguyên nhân, thiếu máu nhược sắc, rối loạn đại tiện hoặc phân đen hay có lẫn máu, ...

+ Khi kết quả chụp X-quang hoặc cắt lớp cho thấy có sự bất thường.

+ Bị viêm loét đại trực tràng, đường ruột.

+ Thuộc các trường hợp có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng, chẳng hạn: tiền sử bị polyp, viêm đại tràng nặng, ...

+ Những người có nhu cầu thực hiện để kiểm soát, sàng lọc nguy cơ ung thư.

3. Chỉ định

* Soi đại tràng chẩn đoán

-  Bệnh nhân có tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại tràng.

-  Đi ngoài phân đen (soi dạ dày bình thường).

-  Thiếu máu chưa rõ nguyên nhân.

-  Hemocult dương tính.

-  Ỉa chảy kéo dài chưa rõ nguyên nhân (soi để sinh thiết từng đoạn để chẩn đoán colite collagene).

-  Ỉa chảy cấp tính.

-  Rối loạn đại tiện.

-  Kiểm tra những bất thường không rõ nguyên nhân.

-  Chảy máu thấp chưa rõ nguyên nhân.

-  Soi kiểm tra định kỳ bệnh nhân có polyp, ung thư đại tràng.

-  Bệnh túi thừa.

-  Các bệnh viêm đại tràng do mọi nguyên nhân.

*  Soi đại tràng điều trị

-  Cát polyp.

-  Lấy dị vật.

-  Cầm máu.

-  Nong chỗ hẹp.

-  Điều trị xoắn đại tràng (và manh tràng).

* Soi đại tràng theo dõi

-  Sau cắt polyp, nếu polyp lành tính, soi kiểm tra sau 3 năm, sau đó cứ 5 năm 1 lần.

-  Bệnh nhân viêm đại tràng có loạn sản nặng.

4. Chống chỉ định

- Thủng đại tràng.

- Viêm phúc mạc.

- Suy tim mạch.

- Bị nhồi máu cơ tim mới.

- Mới mổ ở đại tràng, mổ ở tiểu khung.

- Phình lớn động mạch chủ bụng.

- Bệnh túi thừa cấp tính.

- Bệnh nhân có tắc mạch phổi.

- Tình trạng sốc.

- Bệnh nhân đang có thai (3 tháng đầu và 3 tháng giữa)

4. Nội soi đại tràng được thực hiện như thế nào?

Quy trình thực hiện được chia thành ba giai đoạn:

- Trước khi nội soi

Người bệnh sẽ được thực hiện một số xét nghiệm, đồng thời điều tra về bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe hiện tại.

Nếu đủ điều kiện, người bệnh sẽ được cho uống thuốc có tác dụng làm sạch đại tràng. Trước đó một ngày, người bệnh được hướng dẫn chỉ ăn những thức ăn lỏng, nhiều chất xơ và không uống nước có màu. Nếu nội soi có gây mê, phải nhịn ăn 12 tiếng và bắt buộc phải có người nhà cùng đi.

- Trong khi thực hiện:

+ Tư thế: nằm nghiêng về bên trái với chân co gần tới bụng để vùng hậu môn được mở ra.

+ Bác sĩ sẽ tiêm thuốc giảm đau, gây tê rồi đưa ống nội soi vào hậu môn để đi lên vùng đại tràng, sau đó bơm hơi để vùng này phình ra cho dễ quan sát. Bệnh nhân cần nằm im, hít thở sâu.

+ Nếu có gây mê, người bệnh sẽ đi vào trạng thái mất cảm giác, tri giác nên không thấy đau.

Tùy tình trạng mà quá trình này có thể kéo dài từ 30 tới 60 phút.

- Sau khi nội soi

Người bệnh được nằm nghỉ ngơi, khi có kết quả, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể