TRẺ BỊ CÚM A UỐNG THUỐC GÌ MAU KHỎI, AN TOÀN?

Đăng lúc: 15:00:00 19/05/2023 (GMT+7)

Cúm A là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy trẻ bị cúm A uống thuốc gì cho mau khỏi bệnh, ngăn ngừa biến chứng? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé.

Bệnh cúm A ở trẻ là gì?

Cúm A là một căn bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và là nhóm bệnh phổ biến nhất trong các đợt cúm mùa. Virus gây bệnh cúm A có thể tồn tại trong nhiều vật chủ và nhiều môi trường khác nhau, lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc với dịch tiết hoặc các giọt bắn có chứa virus được người bệnh phát tán vào không khí khi ho, cười đùa, nói chuyện. Đặc biệt, chủng virus này có khả năng tồn tại khá lâu trong không khí nên tại các khu vực đông người, nguy cơ mắc bệnh và bùng phát dịch cao.

Bệnh cúm A có thể xảy ra ở mọi đối tượng, cả người trưởng thành và trẻ em. Tuy nhiên, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn, khi mắc bệnh, các triệu chứng thường sẽ nghiêm trọng và nguy cơ xuất hiện biến chứng cũng cao hơn. Bởi, lúc này trẻ em có sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh khi không được chăm sóc và bảo vệ đúng cách.

Các triệu chứng thường gặp khi trẻ bị cúm A gồm: ho, khó thở, sốt cao, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, đau cơ, đau họng, mệt mỏi, nôn trở, chán ăn, quấy khóc bất thường, cáu gắt,… Nhìn chung các triệu chứng này khá giống với cảm lạnh thông thường, do đó, bệnh dễ bị nhầm lẫn dẫn đến nhiều trường hợp trẻ không được điều trị sớm, đúng cách, khiến trẻ đối mặt với các biến chứng hay tiềm ẩn các nguy cơ biến chứng cao như viêm phổi, viêm có tim, suy hô hấp,…thậm chí, nhiều trường hợp trẻ bị cúm A ở giai đoạn nặng, cần được hỗ trợ thở máy và can thiệp chuyên sâu. 

ca.jpg

Trẻ mệt mỏi, chảy nước mũi nhiều do cúm A.

Trẻ em bị cúm A có nên uống kháng sinh không?

Trẻ bị cúm A tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đây là một loại thuốc có nguồn gốc từ các chủng vi sinh vật như vi khuẩn, nấm,… có tác dụng ức chế, kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật. Tuy nhiên, cúm A là bệnh do virus gây ra nên thuốc kháng sinh không chỉ không có tác dụng đào thải virus gây bệnh mà còn có thể gây ra nhiều tác dụng xấu đến sức khỏe của trẻ, thậm chí gây ra tình trạng kháng kháng sinh. 

Trẻ bị cúm A uống thuốc gì?

Hiện nay, cúm A ở trẻ em vẫn chưa có thuốc đặc trị. Trẻ mắc bệnh sẽ được bác sĩ điều trị theo phác đồ được xây dựng dựa vào các triệu chứng mà trẻ gặp phải. Nguyên tắc điều trị chung của bệnh lý này là tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch cho bệnh nhi thông qua chế độ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể cân nhắc cho trẻ sử dụng một số loại thuốc nhằm giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn, hỗ trợ đào thải virus ra khỏi cơ thể như: 

- Thuốc kháng virus: Đây là loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị cúm A ở trẻ em. Thuốc có thành phần chứa chất ức chế neuraminidase có tác dụng ngăn chặn và làm suy giảm sự lây lan của virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác trong cơ thể. Một số loại thuốc kháng virus phổ biến gồm Zanamivir (Relenza), oseltamivir (Tamiflu),… 

- Thuốc hạ sốt: Trong trường hợp trẻ sốt cao, mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt kịp thời nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện do sốt cao. Paracetamol và ibuprofen là hai loại thuốc hạ sốt giảm đau thường được dùng cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ. Bố mẹ tuyệt đối không dùng aspirin hoặc salicylate để hạ sốt cho trẻ. 

- Thuốc thông mũi: Cúm A khiến trẻ bị nghẹt mũi, bí tắc đường thở, khiến trẻ khó thở, bố mẹ có thể dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ để giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Thuốc có thể được chiết xuất ở dạng nhỏ giọt hoặc dạng xịt, điển hình như: nước muối sinh lý (Natri Clorid 0.9%), thuốc sát khuẩn, thuốc làm co mạch (Oxymetazolin Ephedrin, Naphazoline,…), thuốc giãn mạch Ephedrin,…

- Thuốc long đờm: Thuốc có tác dụng làm loãng đờm, giúp cơ thể đẩy chất nhầy ra khỏi cổ họng một cách nhanh chóng. Những loại thuốc long đờm phổ biến gồm eprazinon, carbocystein, bromhexin, ambroxol,…

tre-bi-cum-a-nen-uong-thuoc-theo-dung-chi-dan-cua-bac-si.jpg

Trẻ bị cúm A nên uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa bệnh kéo dài gây biến chứng.

Cách chăm sóc cúm A ở trẻ

Bên cạnh việc cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bố mẹ nên kết với với việc chăm sóc và các biện pháp điều trị hỗ trợ khác nhằm đẩy nhanh quá trình điều trị bệnh, trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe, gồm: 

- Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn: Sự xâm nhập và tấn công của virus cúm A khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, lúc này cơ thể cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn. Vì vậy, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ tham gia các hoạt động vi chơi tốn nhiều sức, thay vào đó, hãy cho trẻ nghỉ ngơi tại những không gian kín gió, yên tĩnh, thoáng khí.

- Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp: Đối với trẻ còn bú sữa mẹ hoàn toàn, mẹ nên tăng cữ bú cho trẻ, đảm bảo trẻ bú đủ sữa. Đối với trẻ trong độ tuổi ăn dặm, mẹ nên cho trẻ ăn những món ăn mềm, dạng lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Đặc biệt, mẹ nên chú ý cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung đủ vitamin, khoáng chất, giúp trẻ tăng sức đề kháng. 

- Thường xuyên vệ sinh mắt, mũi, miệng cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ: Mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi, nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho trẻ, từ đó, giúp cải thiện các triệu chứng do cúm A gây ra. 

- Bổ sung đủ nước, bù điện giải: Các triệu chứng của cúm A là nguyên nhân khiến trẻ dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng điện giải, mất nước, tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng. Vì vậy, mẹ nên cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Bên cạnh đó, mẹ có thể cho trẻ dùng dung dịch bù điện Oresol theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm ngăn chặn tình trạng sốc, sốt cao co giật. 

- Vệ sinh cá nhân cho trẻ đúng cách: Trái ngược với quan điểm kiêng tắm khi trẻ bị ốm, bố mẹ nên thường xuyên tắm cho trẻ với nước ấm. Trong trường hợp trẻ bị sốt, bố mẹ dùng khăn mềm thấm nước ấm lau người bé để giúp thông thoáng lỗ chân lông rồi lau khô người, mặc quần áo, tránh gió cho trẻ. 

- Giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ: Nhằm hạn chế sự lây lan của virus gây bệnh trong không khí, mẹ nên thường xuyên lau dọn nhà cửa, phòng ngủ, khu vui chơi, quần áo, chăn ga giường của trẻ. Hơn nữa, mẹ nên dùng cồn khử khuẩn quanh nhà, và đồ chơi của trẻ.

- Rèn cho trẻ thói quen tự phòng ngừa bệnh và hạn chế lây lan bệnh bằng các phương pháp đảm bảo vệ sinh, hạn chế tiếp xúc như đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, thường xuyên rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng,…

Khi nào trẻ bị cúm A cần gặp bác sĩ?

Bên cạnh việc chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách và tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ, bố mẹ nên chú ý theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của trẻ. Trong một số trường hợp, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt ngay khi trẻ có các biểu hiện sau:

- Các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm.

- Trẻ sốt cao liên tục, trên 39 độ C và không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đã sử dụng thuốc hạ sốt.

- Sốt cao kéo dài trên 2 ngày.

- Cơ thể và môi của trẻ tím tái.

- Khi trẻ thở, lồng ngực co kéo. Trẻ có biểu hiện thở gấp, thở khò khè hay khó thở. 

- Trẻ có biểu hiện mất nước nghiêm trọng: tần suất đi tiểu giảm, lượng nước tiểu ít, nước tiểu có màu vàng, môi khô, khóc không có nước mắt,…

- Trẻ bỏ ăn, bỏ uống.

- Trẻ có xu hướng ngủ nhiều hơn, ngủ li bì, khó đánh thức.

- Trẻ cáu gắt nhiều, thường xuyên quấy khóc


Bệnh viện Tâm Anh