Tầm soát ung thư phổi

Đăng lúc: 15:08:00 02/03/2023 (GMT+7)

Ung thư phổi là căn bệnh ung thư thường gặp trên thế giới. Theo thống kê của năm 2020, tỉ lệ ung thư phổi ở nam giới đứng đầu trong các loại ung thư là 17,3%, còn ở nữ giới ung thư phổi chiếm 8,4%, xếp thứ 2 sau ung thư vú. Tại Việt Nam, tỉ lệ ung thư phổi xếp hàng thứ 2 ở cả hai giới. Ung thư phổi tiên lượng nặng, thường phát hiện ở giai đoạn muộn, chỉ khoảng 15% phát hiện giai đoạn sớm. Chính vì vậy tầm soát ưng thư phổi là một vấn đề hết sức quan trọng.

I. Đối tượng cần sàng lọc ung thư phổi

Trên thế giới đã đưa ra nhiều khuyến cáo về đối tượng sàng lọc ung thư phổi và có thay đổi, cập nhật qua các năm.

ACS - Hiệp hội ung thư Hoa kỳ đưa ra khuyến cáo sàng lọc ung thư phổi lần đầu vào năm 2013 và có cập nhật vào năm 2018. Tầm soát hằng năm với các đối tượng sau:

- Tuổi 50 - 80 tuổi, có sức khỏe tốt 

- Hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc dưới 15 năm 

- Hút thuốc > 20 bao/năm

ACCP - Hiệp hội lồng ngực Hoa kỳ khuyến cáo về đối tượng cần sàng lọc ung thư phổi theo các nhóm nguy cơ:

- Nguy cơ cao: 55 - 77 tuổi, hút thuốc 30 bao/năm, đang hút hoặc bỏ thuốc dưới 15 năm khuyến cáo chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm.

- Có nguy cơ: 50 - 80 tuổi, hút thuốc lá 20 bao/năm, đang hút hoặc bỏ thuốc dưới 15 năm gợi ý chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm.

- Nguy cơ thấp: không thuộc hai trường hợp trên, tùy từng trường hợp cụ thể.

NCCN - Mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kỳ năm 2018 cũng đưa ra khuyến cáo về đối tượng cần sàng lọc ung thư phổi thông qua đánh giá nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

- Tiền sử hút thuốc lá

- Phơi nhiễm radon

- Phơi nhiễm nghề nghiệp

- Tiền sử ung thư

- Tiền sử gia đình ung thư phổi ở thế hệ thứ nhất

- COPD hoặc xơ phổi

- Hút thuốc lá thụ động

Qua đó chia làm ba nhóm nguy cơ:

- Nguy cơ cao

1.    55 - 74 tuổi, hút thuốc lá ≥ 30 bao/năm, bỏ thuốc lá dưới 15 năm

2.    > 50 tuổi, hút thuốc lá ≥ 20 bao/năm, thêm vào các yếu tố nguy cơ khác ngoài hút thuốc lá thụ động

- Nguy cơ trung bình:

Tuổi ≥ 50, hút thuốc lá ≥ 20 bao/năm hoặc hút thuốc lá thụ động, không có yếu tố nguy cơ nào khác.

- Nguy cơ thấp

Tuổi < 50 và/hoặc hút thuốc lá < 20 bao/năm

Nhóm nguy cơ cao sẽ được thảo luận bởi bác sĩ, bệnh nhân về lợi ích và nguy cơ để đưa ra quyết định sàng lọc. Nhóm nguy cơ trung bình, thấp không được khuyến cáo sàng lọc ung thư phổi.

Vào tháng 7/2022, NCCN dựa vào các nghiên cứu RCT đưa ra bản cập nhật khuyến cáo mới nhất về sàng lọc ung thư phổi, cụ thể chia làm hai nhóm đối tượng:

- Nguy cơ cao: Đối tượng tuổi ≥ 50 và hút thuốc lá ≥ 20 bao/năm, khuyến cáo sàng lọc ung thư phổi.

- Nguy cơ thấp: tuổi < 50 và/hoặc hút thuốc < 20 bao/năm thì việc sàng lọc không được khuyến cáo.

II. Ý nghĩa của sàng lọc ung thư phổi

Điều quan trọng trước khi sàng lọc là tư vấn bỏ hút thuốc nếu đang hút và được bác sĩ giải thích lợi ích, nguy cơ, giá trị của việc sàng lọc với chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp:

Lợi ích của sàng lọc

- Giảm tỉ lệ tử vong do ung thư phổi

- Chất lượng cuộc sống được cải thiện nhờ việc sàng lọc và phát hiện sớm ung thư

- Có thể phát hiện bệnh lý khác ngoài ung thư phổi như giãn phế nang trong COPD, vôi hóa động mạch vành, phình động mạch chủ…

Nguy cơ sàng lọc

- Tỉ lệ nhỏ dương tính giả dẫn đến các xét nghiệm, thăm dò xâm lấn không cần thiết thậm chí phẫu thuật. Ảnh hưởng chi phí, chất lượng cuộc sống, tinh thần của đối tượng.

- Kết quả âm tính giả có thể trì hoãn chẩn đoán điều trị,

- Kết quả không xác định có thể dẫn đến các thăm dò khác

- Phơi nhiễm phóng xạ.

III. Phương tiện sàng lọc ung thư phổi

Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp là kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính với liều lượng bức xạ thấp. Liều bức xạ thông thường của chụp cắt lớp vi tính lồng ngực là 7 mSv, trong khi liều bức xạ của chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp theo NCCN là liều < 3 mSv với BMI < 30 và < 5 mSv với BMI > 30.

Mức độ bức xạ của chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp so với nguồn khác:

Đi máy bay 10 giờ

XQ thường quy

XQ tuyến vú

Chụp cắt lớp vi tính liều thấp

Liều nhiễm xạ trung bình môi trường trong 1 năm của Hoa Kỳ

Chụp cắt lớp vi tính thông thường

0,04 mSv

0,1 mSv

0,4 mSv

1,4 mSv

3       – 5 mSv

7 mSv

IV. Tiếp cận tổn thương phát hiện qua sàng lọc ung thư phổi

Theo bản cập nhật 2022 của NCCN, nếu phát hiện tổn thương nốt mờ sẽ tiếp cận chẩn đoán và theo dõi nốt mờ phổi. Trong trường hợp không phát hiện tổn thương thì khám sàng lọc hàng năm. Việc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp ngoài tầm soát ung thư phổi có thể phát hiện tổn thương khác như giãn phế nang trong COPD, vôi hóa mạch vành, giả phình động mạch chủ.

Tiếp cận nốt mở phổi trên cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp khi khám sáng lọc ung thư phổi

1. Nốt đặc

Đối với nốt đặc dưới 6 mm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm cho đến khi bệnh nhân không còn là đối tượng phải điều trị dứt điểm.

Đối với nốt đặc từ trên 6 mm đến 8 mm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp mỗi 6 tháng và đánh giá tiếp.

Đối với nốt đặc từ trên 8 mm đến 15 mm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp mỗi 3 tháng hoặc cân nhắc chụp PET CT.

Đối với nốt đặc từ trên 15 mm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực tiêm thuốc cản quang và/hoặc chụp PET CT.

Với quả chụp PET CT với nốt đặc từ 8 mm trở lên:

- Nếu kết quả PET CT gợi ý thấp ung thư phổi thì chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp mỗi 3 tháng và đánh giá tiếp.

- Nếu kết quả PET CT gợi ý cao ung thư phổi thì sinh thiết hoặc xét phẫu thuật. Kết quả sinh thiết không phải ung thư phổi thì chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm cho đến khi bệnh nhân không còn là đối tượng phải điều trị dứt điểm.

Đối với nốt đặc nội phế quản, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp mỗi tháng (thực hiện ngay nếu ho nhiều). Nếu không có độ phân giải nên nội soi phế quản.

2. Nốt bán đặc - nốt hỗn hợp

Đối với nốt bán đặc dưới 5 mm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm cho đến khi bệnh nhân không còn là đối tượng phải điều trị dứt điểm.

Đối với nốt bán đặc từ trên 6 mm với phần đặc dưới 5mm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp mỗi 6 tháng và đánh giá tiếp.

Đối với nốt bán đặc từ trên 6 mm với phần đặc 6 - 7 mm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp mỗi 3 tháng hoặc cân nhắc chụp PET CT.

Đối với nốt bán đặc với phần đặc từ trên 8 mm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực tiêm thuốc cản quang và/hoặc chụp PET CT.

Với kết quả PET CT của nốt bán đặc trên 6 mm và phẫn đặc từ 6 mm trở lên

- Nếu kết quả PET CT gợi ý thấp ung thư phổi thì chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp mỗi 3 tháng và đánh giá tiếp.

- Nếu kết quả PET CT gợi ý cao ung thư phổi thì sinh thiết hoặc xét phẫu thuật. Kết quả sinh thiết không phải ung thư phổi thì chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm cho đến khi bệnh nhân không còn là đối tượng phải điều trị dứt điểm.

3. Không phải nốt đặc - nốt kính mờ

Đối với nốt kính mờ dưới 20 mm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm cho đến khi bệnh nhân không còn là đối tượng phải điều trị dứt điểm.

Đối với nối kính mờ từ trên 20 mm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp mỗi 6 tháng và đánh giá tiếp.

Khi nào nên dừng sàng lọc

Theo US Preventive Services Task Force 2021, dừng sàng lọc khi đối tượng bỏ thuốc trên 15 năm hoặc phát triển một vấn đề sức khỏe làm giảm thời gian sống kỳ vọng hoặc khả năng phẫu thuật phổi của họ.

V. Kết luận

Ung thư phổi có tiên lượng nặng, thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên làm giảm đáng kể tuổi thọ của bệnh nhân. Do đó, việc sàng lọc ung thư phổi rất quan trọng ở các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đối tượng sàng lọc cần được đánh giá cụ thể tránh việc sử dụng quá mức thăm dò. Đối tượng cần được hiểu về lợi ích và nguy cơ của việc sàng lọc trước khi đưa ra quyết định sàng lọc ung thư phổi. Hiện nay, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp được khuyến cáo để sàng lọc ung thư phổi.

PGS.TS. Phan Thu Phương, ThS.BS. Cao Trung Đức

Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai