Rối loạn lo âu là gì, biểu hiện mức nào thì cần đi khám?

Đăng lúc: 10:00:00 10/08/2022 (GMT+7)

Rối loạn lo âu xảy ra với khá nhiều người, gây ra những tác hại không nhỏ tới sức khỏe và đời sống. Căng thẳng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày có phải là rối loạn lo âu? Khi nào cần đi khám?

 Lý do nhiều bệnh nhân đến khám vì triệu chứng lo lắng, trằn trọc khó ngủ, cảm giác sợ hãi kèm ngộp thở ép ngực lạnh tay chân, thậm chí phải cấp cứu tại bệnh viện đa khoa hay khoa tim mạch. Đây là những triệu chứng điển hình của các rối loạn lo âu.

Vậy câu hỏi được nhiều người đặt ra là biểu hiện của bệnh rối loạn lo âu là gì? Khi nào cần đi khám?

Lo âu là phản ứng bình thường của các loạn sang chấn tinh thần (stress) và trong một số tình huống lo lắng có thể xảy ra để có được sự quan tâm chú ý cần thiết. Các rối loạn lo âu khác với cảm giác căng thẳng trong đó có sự sợ hãi quá đáng.

Các rối loạn lo âu có thể đẩy người bệnh vào tình trạng cố gắng tránh các tình huống kích hoạt triệu chứng hoặc làm nặng các triệu chứng lo âu. Khi bị các rối loạn lo âu thường dẫn đến kết quả làm việc giảm sút, học hành kém đi cũng như các mối quan hệ bạn bè ít dần.

1. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn lo âu

Cho đến hiện tại, các nhà khoa học chưa có kết luận rõ ràng các nguyên nhân gây ra lo âu, nhưng các yếu tố nguy cơ thường gặp nhất là:

- Yếu tố môi trường sống: (cả gia đình và xã hội) gặp ở hầu hết các đối tượng. Nhiều người có áp lực riêng, ví như người nội trợ với áp lực đóng góp tiền bạc, áp lực quan hệ gia đình phức tạp, nhân viên với áp lực chỉ tiêu công việc, sinh viên, học sinh áp lực với yêu cầu kết quả học tập từ bản thân gia đình... Đa số các áp lực gây stress trên do môi trường sống nhiều lần hoặc chữa trị chưa hợp lý rất dẫn dẫn đến tình trạng rối loạn lo âu.

- Yếu tố gen di truyền: Có những bệnh nhân thuộc đối tượng học hành, kiến thức khoa học và kiến thức xã hội cao "cái gì cũng biết" những vẫn có các triệu chứng của một số thể loại trong chẩn đoán rối loạn lo âu kể trên.

-Yếu tố tâm lý: Khá rõ ràng khi một số bệnh nhân có một số thể loại rối loạn lo âu có tiền sử bị cư xử không phù hợp, không tương thích với quá trình phát triển tâm sinh lý như bị lạm dụng, bị ngược đãi hay phải sống trong môi trường không thuận lợi cho phát triển cảm xúc, cho phát triển nhận thức và cho khả năng phát triển hình thành ý tưởng cuộc sống.

Biểu hiện nhận biết rối loạn lo âu và khi nào cần đi khám vì nghi vấn mắc bệnh? - Ảnh 1.
 

Khi mắc rối loạn lo âu thường dẫn đến kết quả làm việc giảm sút, học hành kém đi

2. Triệu chứng rối loạn lo âu

Triệu chứng chính của rối loạn lo âu là sợ hãi hoặc lo lắng quá mức. Rối loạn lo âu cũng có thể gây khó thở, ngủ, khó có thể đứng yên và tập trung. Các triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào loại rối loạn lo âu.

Các triệu chứng thường gặp là: Hoảng loạn, sợ hãi, cảm thấy không chắc chắn hay không an toàn; Khó ngủ, sợ hãi, lo lắng cả trong giấc ngủ; Không thể giữ bình tĩnh và đứng yên…

Một số người có biểu hiện lạnh, đổ mồ hôi, tê hoặc ngứa ran tay hoặc chân, khó thở, hoặc thở nhanh hơn bình thường. Tim đập nhanh, khô miệng, buồn nôn, cơ bắp căng thẳng, chóng mặt, giảm khả năng tập trung…Ám ảnh trong suy nghĩ về một vấn đề nhiều lần, có những hành vi nghi thức, như rửa tay, kiểm tra khóa cửa… quá nhiều lần, khó khăn giữ bình tĩnh hoặc vượt qua cơn lo âu.

3. Một số dạng rối loạn lo âu thường gặp cần biết

- Rối loạn lo âu lan tỏa: Là sự lo lắng kéo dài và bận tâm quá mức về những chủ đề hằng ngày như công việc, gia đình hoặc sức khỏe.

- Ám ảnh sợ: Là những mối lo và nỗi sợ hãi các đối tượng hoặc tình huống cụ thể như: sợ đi máy bay, sợ không gian hẹp, sợ nhện và một số loài động vật khác hoặc sợ bị tiêm…

- Rối loạn hoảng loạn: Là những cơn hoảng loạn lặp đi lặp lại nhiều lần, các cơn đột ngột sợ hãi và lo lắng trầm trọng kèm các triệu chứng cơ thể như đau ngực, tim đập nhanh, chóng mặt, khó thở, vã mồ hôi, cảm giác như sắp chết.

- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Là người bệnh có những suy nghĩ, hình ảnh mang tính ám ảnh (ví dụ như sợ bị nhiễm vi trùng) ép buộc họ thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại nhằm giải tỏa phần nào sự lo lắng đó của họ (như rửa tay quá thường xuyên).

- Có người rối loạn lo âu còn có những triệu chứng khác như: Hoảng loạn với từng cơn hoảng sợ tới mức khó kiểm soát, hồi hộp, đánh trống ngực, "rần rần" tay chân rồi lạnh run, lo lắng đau khổ, gặp ác mộng khi ngủ.

4. Khi nào cần đi khám vì nghi vấn mắc bệnh rối loạn lo âu?

Nhiều người không nghĩ mình mắc bệnh rối loạn lo âu, tuy nhiên nếu một người gặp phải các tình trạng dưới đây cần đi khám sớm:

- Cảm thấy lo lắng quá nhiều và nó ảnh hưởng tới công việc, các mối quan hệ và các phần khác của cuộc sống.

- Sự sợ hãi, lo âu khiến cảm thấy buồn phiền và khó để kiểm soát chúng.

- Cảm thấy chán nản, sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích hoặc có các rối loạn tâm thần khác đi kèm với chứng lo âu.

Ngoài ra, nếu nghĩ chứng lo âu của mình có liên quan tới một bệnh nền khác như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, xương khớp… Hoặc có suy nghĩ hoặc hành vi tự tử…cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Tóm lại: Lo âu là một phản ứng tự nhiên với những tình huống căng thẳng. Tuy nhiên, một số người lại không kiểm soát tốt trạng thái lo âu và họ thường phải chịu các triệu chứng cơ thể khó chịu kèm theo. Việc không kiểm soát này ảnh hưởng đến khả năng làm việc và sinh hoạt thường ngày. Đây cũng là nguyên nhân khiến họ thường tìm đến bệnh viện.

Nguồn: Sức khỏe & Đời sống