PHÒNG NGỪA VÀ HẠN CHẾ ĐỢT CẤP CỦA BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH TRONG MÙA HÈ

Đăng lúc: 14:56:30 28/07/2022 (GMT+7)

Vào mùa hè, với sự thay đổi liên tục của thời tiết tác động lớn đến các bệnh hô hấp mạn tính nói chung trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay còn gọi COPD.

+ Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay còn gọi là COPD thường gây kích ứng đợt cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân nếu không biết cách phòng và điều trị hợp lý. Nguyên nhân là do thời tiết mùa hè, thường chuyển từ nắng nóng sang mưa rào, thay đổi nhiệt độ và độ ẩm là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển,gây  kích ứng đường hô hấp.

+ Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của những bất thường ở đường thở và/hoặc phế nang thường do phơi nhiễm với các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó có khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính. Ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

+ Các bệnh đồng mắc và đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới dẫn đến gánh nặng kinh tế xã hội ngày càng gia tăng.

+ Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng thay đổi cấp tính các biểu hiện lâm sàng: khó thở tăng, ho tăng, khạc đờm tăng và hoặc thay đổi màu sắc của đờm. Những biến đổi này đòi hỏi phải có thay đổi trong điều trị.

COPD.jpg
 Hình ảnh : Phổi bình thường và phổi của bệnh nhân mắc COPD

 

Một số triệu chứng hay gặp trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

- Khó thở tăng: Người bệnh khi vào đợt cấp thường có biểu hiện thở không thoải mái, cảm giác không đủ không khí để thở, cơn khó thở có xu hướng tăng dần, người bệnh cảm thấy khó thở ngay cả khi đang ngủ nghỉ ngơi. Đây cũng là một trong những triệu chứng rất thường gặp trong đợt cấp.

- Khạc đờm số lượng tăng hơn so với bình thường

- Thay đổi màu sắc của đờm: đờm chuyển vàng đục, xanh...

- Các triệu chứng toàn thân khác (sốt, đau ngực, rối loạn ý thức, thở khò khè, thở rít,...)

Nguyên nhân đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

- Nguyên nhân trực tiếp thường gặp nhất gây đợt cấp là nhiễm khuẩn khí phế quản phổi cấp do virus hoặc vi khuẩn, chiếm khoảng 80% các trường hợp.

+ Các loại virus thường gặp: Rhinovirus, Influenza, Parainfluenza, Respiratory Syncytial Virus (Virus hợp bào RSV), Human Metapneumomia Virus, Picornaviruses, Coronavirus (Covid 19), Adenovirus,…

+ Các loại vi khuẩn thường gặp: Haemophilus Influenzae, Moraxella Catarrhalis, Staphylococcus Aureus, Streptococcus Pneumoniae,…

Một số nguyên nhân khác gây nên đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như:    

-   Bệnh lý tim mạch: rối loạn nhịp tim, suy tim cấp.

-   Sử dụng oxy quá liều

-   Dùng các thuốc an thần, thuốc chẹn beta giao cảm.

-    Không tuân thủ hoặc sử dụng thuốc không đúng cách để điều trị duy trì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

-    Ô nhiễm không khí (khói thuốc, tiếp xúc khói bụi nghề nghiệp, ozone…).
 

ho.jpg

 Các biểu hiện lâm sàng cho thấy bệnh nhân đang gặp đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm: khó thở tăng, ho tăng, khạc đờm tăng và hoặc thay đổi màu sắc của đờm.

Một số biến chứng nặng của đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:

Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nặng đe dọa đến tính mạng người bệnh như: suy hô hấp (do tắc đờm, mệt cơ, tràn khí màng phổi, thiếu oxy máu…), suy tim do tăng áp lực động mạch phổi, tắc động mạch phổi,.…

Biện pháp phòng ngừa đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong mùa hè

Trong mùa hè, thời tiết xen kẽ nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm và nhiệt độ thay đổi liên tục là diều kiện dễ kích hoạt đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Do đó, một số biện pháp làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện của các đợt cấp có vai trò quan trọng đối với bệnh nhân.

Một số biện pháp như sau:

- Một là, luôn tuân thủ thuốc điều trị dự phòng theo hướng dẫn của bác sỹ mà bệnh nhân thăm khám, quản lý hàng tháng. Bệnh nhân biết cách phát hiện các triệu chứng của đợt cấp như ho khạc đờm tăng, khó thở tăng, sốt,… dùng thuốc hàng ngày không đỡ. Khi có các triệu chứng trên cần đi khám và điều trị sớm.

- Hai là, không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh khói thuốc. Hút thuốc làm giảm rất rõ sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc, các lông chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị giảm hoạt động, làm giảm thải chất nhầy khỏi đường hô hấp. Các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả, do vậy dễ xuất hiện nhiễm trùng hô hấp. Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự. Bệnh nhân phải kiên trì từ bỏ thói quen hút thuốc lá, thuốc lào tuyệt đối.

- Ba là, tránh thay đổi nhiệt độ và độ ẩm phòng đột ngột, sử dụng điều hòa đúng cách, nhiệt độ nên duy trì 27-28 độ.

- Bốn là, tránh luyện tập gắng sức khi trời nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, hoặc môi trường nhiều bụi; khói thuốc và khói bếp, nên ở trong nhà có môi trường ổn định khi đang có đợt cấp của bệnh phổi mạn tính.

- Năm là, có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ ăn rất quan trọng, vì vậy cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối. Thường xuyên vệ sinh răng miệng.

- Sáu là, điều trị triệt để các đợt nhiễm trùng ở đường hô hấp như ở răng, lợi, miệng, tai, mũi, họng nhằm tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phổi đặc biệt ở người già trên 65 tuổi. Khi số lượng đờm nhiều cần phối hợp với việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế hàng ngày giúp bệnh nhân ho khạc đờm tốt, giảm ứ đọng đờm trong đường thở, cải thiện tình trạng viêm niêm mạc đường thở.

- Bảy là, bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên tiêm phòng cúm và phế cầu để hạn chế bội nhiễm do các căn nguyên phổ biến này trong đợt cấp. Việc tiêm phòng vaccine có thể làm giảm các đợt cấp nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Tiêm phòng vaccine cúm vào đầu mùa thu và tiêm nhắc lại hàng năm, tiêm phòng vaccine phế cầu mỗi 5 năm 1 lần và được khuyến cáo ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định.

 

 




Nguồn: Sức khỏe & đời sống