NỘI SOI TIÊU HÓA – PHƯƠNG PHÁP “VÀNG” TRONG CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LÝ ĐƯỜNG TIÊU HÓA

Đăng lúc: 16:05:51 09/08/2022 (GMT+7)

Hiện nay, nội soi tiêu hóa được xem là phương pháp “vàng” trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa cho người bệnh. Với các ưu điểm như: nhanh chóng, chính xác, ít xâm lấn, nội soi tiêu hóa thực sự là phương pháp hỗ trợ đắc lực trong tầm soát và điều trị sớm các bệnh lý tiêu hóa, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, đại tràng, trực tràng ).

1. Nội soi tiêu hóa là gì?

Nội soi tiêu hóa là phương pháp kiểm tra ống tiêu hóa trực quan bằng cách dùng một ống soi mềm, dài, có gắn camera ở đầu ống, luồn từ miệng, mũi (nội soi trên), hoặc từ hậu môn (nội soi dưới) vào đường tiêu hóa. Nội soi tiêu hóa giúp chẩn đoán các bệnh lý về đường tiêu hóa, và có thể được dùng để điều trị các bệnh lý ảnh hưởng đến thực quản, dạ dày và phần đầu của ruột non (tá tràng).

Các phương pháp nội soi tiêu hóa

Có 2 hình thức nội soi tiêu hóa: nội soi tiêu hóa không gây mê và nội soi tiêu hóa gây mê.

Nội soi tiêu hóa không gây mê: là hình thức nội soi tiêu hóa truyền thống. Trong quá trình nội soi, người bệnh có thể gặp tình trạng như: đau rát cổ họng, tức bụng, buồn nôn, mệt mỏi.

Nội soi tiêu hóa gây mê: người bệnh được truyền một liều thuốc mê vừa đủ để ngủ trong suốt quá trình nội soi. Điều này giúp người bệnh không trải qua tình trạng khó chịu so với nội soi tiêu hóa thông thường. Nội soi gây mê được đánh giá là an toàn, không gây khó chịu, và ít gây biến chứng cho người bệnh.

2.Đối tượng nội soi dạ dày, đại tràng

 Khi bạn gặp các triệu chứng sau, bạn cần thăm khám và nội soi dạ dày để bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị chính xác nhất:

– Đau vùng bụng trên, vùng thượng vị.

– Nôn và buồn nôn, nôn ra máu.

– Ợ chua, ợ hơi.

– Đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu.

– Nóng rát, đau tức ngực.

– Đi ngoài phân đen.

– Thiếu máu, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Tầm soát ung thư đại tràng ở những người có gia đình bị ung thư đại tràng hoặc trên 50 tuổi.

  Theo dõi bệnh viêm loét đại tràng

  Điều trị các bệnh lý như xuất huyết, giãn tĩnh mạch, cắt polype, ung thư dạ dày sớm,…

– Sau đợt điều trị, có thể cần nội soi lại để kiểm tra hiệu quả của đợt điều trị trước

  Chỉ định điều trị can thiệp và theo dõi sau điều trị

3. Thời gian: Nội soi tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 7 và chủ nhật

4. Bảng giá nội soi dạ dày, đại tràng tại Bệnh viện Triệu Sơn

Tên dịch vụ

Giá dịch vụ

(VND)

Giá BHYT

(VND)

Giá nội soi theo yêu cầu (VND)

Nội soi dạ dày không gây mê:

244.000 đồng

240.000 đồng

 

Nội soi đại tràng không gây mê

305.000 đồng

305.000 đồng

 

Nội soi dạ dày gây mê

700.000 đồng

 

700.000 đồng

Nội soi đại tràng gây mê

1.000.000 đồng

 

1.000.000 đồng

 

5. Lưu ý trước khi đi nội soi dạ dày, đại tràng

Để quá trình nội soi dạ dày diễn ra nhanh chóng và trơn tru, người bệnh cần thực hiện một số lưu ý trước khi nội soi. Cụ thể như sau:

 Nên nhịn ăn tối thiểu 6 – 8 tiếng, nhịn uống tối thiểu 2 tiếng.

 Thông báo cho bác sĩ về tình trạng bệnh lý hiện tại, tình trạng đặc biệt như mang thai

 Thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng.

 Ngưng uống 1 số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

 Không uống các loại nước có màu như nước cam, nước dưa hấu, nước ngọt.

 Không uống rượu, bia, cafe, chất kích thích.

 Nên đi cùng người thân nếu nội soi dạ dày, đại tràng gây mê vì tác dụng thuốc gây mê khiến người bệnh không tỉnh táo, nguy hiểm khi điều khiển phương tiện giao thông.

 Giữ tinh thần thoải mái, không làm việc quá sức, tránh căng thẳng.

6. Quy trình nội soi dạ dày, đại tràng

* Nội soi dạ dày

1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án nếu người soi là người bệnh nội trú

2. Kiểm tra người bệnh đúng họ tên, đúng tuổi, giới tính, địa chỉ

3. Thực hiện kỹ thuật

3.1. Chuẩn bị và kiểm tra máy soi

3.2. Người bệnh được đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại biên bằng natriclorua 0.9% hoặc Glucose 5% thở Oxy kính 3l/p, mắc monitor theo dõi

3.3. Người bệnh mằn nghiêng trái. Đặt ống ngậm miệng vào giữa 2 cung răng và bảo người bệnh ngậm chặt

3.4. Tiêm thuốc cho người bệnh 3 – 4 phút trước khi nội soi

3.5. Khi người bệnh đã nhắm mắt, mất phản xạ mắt – mi, đưa máy soi qua miệng, họng vào thực quản dạ dày, tá tràng bơm hơi và quan sát.

3.6. Rút máy và tẩy uế, khử khuẩn máy soi theo đúng quy định

3.7. Tháo dây oxy, máy theo dõi. Chuyển người bệnh ra phòng hồi tỉnh nằm theo dõi tiếp đến khi người bệnh tỉnh hoàn toàn.

* Nội soi đại tràng

1. Người bệnh được thăm khám tổng thể, làm điện tâm đồ thường quy trước soi

2. Kiểm tra người bệnh đúng họ tên, đúng tuổi, giới tính, địa chỉ

3. Thực hiện kỹ thuật

3.1. Chuẩn bị và kiểm tra máy soi

3.2. Người bệnh được đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại biên bằng natriclorua 0.9% hoặc Glucose 5% thở Oxy kính 3l/p, mắc monitor theo dõi

3.3 Tư thế người bệnh: nằm ngửa hoặc nghiêng trái.

Ở tư thế nằm ngửa thì dễ áp dụng, dễ nhìn thấy ánh sáng qua thành bụng và người bệnh dễ thở hơn.

Còn ở tư thế nghiệng trái: dễ đưa đèn qua chỗ nối trực tràng - đại tràng sigma.

Bước đầu tiên: thăm hậu môn trực tràng rồi đưa đèn vào sau khi đã bôi trơn máy bằng mỡ lidocain hoặc silicon.

Soi đoạn trực tràng ít gặp khó khăn, có thể quan sát toàn bộ trực tràng khi phối hợp quay ngược máy.

Khó khăn đầu tiên là khi đưa đèn qua đại tràng sigma, đoạn này đại tràng rất lỏng lẻo, dễ tạo thành cuộn kiểu α. Khi đẩy máy, máy tiến lên cao ra phía trước trực tràng sau đó lại vòng xuống và ra sau. Phải rút hơi và quay đèn theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược lại và hút hơi.

Cuộn kiểu omega: đôi khi đưa đèn qua đại tràng sigma dễ tạo một góc nhọn ở chỗ nối đại tràng sigma và đại tràng xuống, phải thay đổi tư thế, hút hơi và ép hố chậu trái. Bình thường góc trái cách hậu môn 40 - 70 cm.

Góc lách đôi khi cuộn ngược, khó đẩy đèn, phải rút đèn quay ngược chiều kim đồng hồ hoặc thay đổi tư thế.

Qua đại tràng ngang thường ít khó khăn, nhưng khi đoạn này quá dài phải hút hơi và ép bụng ở đại tràng sigma, đại tràng góc lách và giữa bụng.

Phải cho đèn tới manh tràng bằng cách hút bớt hơi, ép vùng đại tràng ngang hoặc đại tràng sigma hoặc đại tràng góc lách và thay đổi tư thế.

Để qua van Bauhin: hướng đầu đèn xuống sâu hơn vị trí của van, sau đó bơm căng manh tràng rồi rút đèn lên tới mép dưới van. Bơm hơi căng để mở lỗ van và đẩy đèn vào, hồi tràng dễ nhận biết vì hình ảnh niêm mạc hơi lần sần.
3.4 Rút máy và tẩy uế, khử khuẩn máy soi theo đúng quy định
3.5. Tháo dây oxy, máy theo dõi. Chuyển người bệnh ra phòng hồi tỉnh nằm theo dõi tiếp đến khi người bệnh tỉnh hoàn toàn.

 Những khó khăn trong soi đại tràng có thể do 1 trong 5 nguyên nhân:

– Sau khi phẫu thuật ở tiểu khung hoặc mổ đại tràng

– Viêm túi thừa

– Bất thường về giải phẫu: đại tràng quá dài

– Ở các người bệnh quá béo, khó ép bụng hoặc ép không có kết quả