Những hiểu biết về bệnh viêm cầu thận cấp

Đăng lúc: 16:06:12 09/11/2022 (GMT+7)

Viêm cầu thận cấp là loại bệnh lý tiết niệu, là nguyên nhân của các triệu chứng như tiểu ra máu, huyết áp cao thay đổi bất thường trong nhu cầu đi tiểu,… Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến với nhóm đối tượng có bệnh sử hoặc gia đình có bệnh sử về thận. Viêm cầu thận cấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ phát triển thành viêm cầu thận mạn, dẫn đến suy thận.


Viêm cầu thận cấp là gì?

Viêm cầu thận cấp là một nhóm bệnh làm tổn thương cầu thận, làm ảnh hưởng đến khả năng lọc máu, chất thải và nước tiểu của cơ thể.

Cầu thận là một bó mao mạch được lót bởi một lớp nội mạc mỏng. Đây là mạng lưới phức tạp gồm các protein và các tế bào biểu mô nội tạng chuyên biệt tạo thành các màng ngăn. Cấu trúc kết hợp này cho phép cầu thận thực hiện quá trình lọc huyết tương liên tục.

Khi cầu thận gồm tiểu cầu thận và các mạch máu bị tổn thương dẫn đến viêm đột ngột, chức năng của cầu thận sẽ bị suy giảm. Từ đó gây ra những triệu chứng như tiểu máu, thiếu máu, tăng huyết áp hoặc phù.

Cụ thể hơn, khi cầu thận bị tổn thương do viêm cầu thận cấp, thay vì giữ protein và tế bào hồng cầu trong máu, viêm cầu thận cấp sẽ làm rò rỉ hồng cầu và protein vào trong nước tiểu. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu protein trong máu, gây sưng phù ở mặt, tay, chân và mắt cá chân. Bên cạnh đó, cơ thể người bệnh cũng sẽ bị tích tụ các chất thải vì cầu thận không thực hiện được chức năng lọc.

Viêm cầu thận cấp rất đa dạng. Chủ yếu là do nhiễm trùng, di truyền từ gia đình hoặc sự thay đổi trong hệ thống miễn dịch do các bệnh liên quan đến viêm. Viêm cầu thận cấp có khả năng tự cải thiện mà không qua điều trị. Tuy nhiên, người bệnh vẫn được khuyến cáo điều trị dứt điểm để giảm thiểu nguy cơ tổn thương lâu dài cho thận.

Mức độ phổ biến của bệnh viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp được xem là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới. Viêm cầu thận cấp có thể xảy ra với mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên, những người có bệnh sử hoặc gia đình có bệnh sử bị viêm cầu thận sẽ có nguy cơ cao bị viêm cầu thận cấp hơn người khác. Bên cạnh đó, trẻ em ở độ tuổi từ 4-7 tuổi là những đối tượng phổ biến với bệnh viêm cầu thận cấp.

Không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn bệnh viêm cầu thận cấp xảy ra ở người. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát và quản lý sức khỏe thận để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ bàng cách xây dựng lối sống khỏe mạnh, chế độ ăn khoa học, tốt cho thận và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Những triệu chứng dấu hiệu viêm cầu thận cấp tính

Triệu chứng của viêm cầu thận cấp tính ngoài tích độc và các chất thải bên trong cơ thể khiến người bệnh suy giảm sức khỏe. Bệnh còn gây ra những dấu hiệu lâm sàng thông qua nước tiểu, tần suất đi tiểu và huyết áp. Những triệu chứng viêm cầu thận cấp bao gồm:

- Nước tiểu màu nâu hoặc có lẫn máu trong nước tiểu

- Nước tiểu có bọt

- Nhu cầu đi tiểu ít hơn bình thường

- Xuất hiện tình trạng sưng, phù nề ở mắt cá nhân, bọng mắt

- Chuột rút cơ bắp

- Buồn nôn và nôn

- Tăng huyết áp

- Sức khỏe thể chất giảm

Trong tất cả những triệu chứng viêm cầu thận, điển hình nhất là nước tiểu màu nâu hoặc lẫn máu và nước tiểu sủi bọt. Đây là hiện tượng khi máu và protein rò rỉ vào bên trong nước tiểu khi cầu thận bị viêm. Máu làm cho nước tiểu màu nâu hoặc thấy rõ là có máu bên trong nước tiểu.

Và protein làm xuất hiện bọt trong nước tiểu. Vì vậy, khi thấy những triệu chứng này, bạn cần đi khám để được bác sĩ chuyên môn chỉ định phác đồ điều trị viêm cầu thận cấp tính phù hợp.

dau-hieu-viem-cau-than-cap-tinh.jpg

Nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp tính

1. Nhiễm trùng

Viêm cầu thận sau nhiễm trùng thuộc nhóm bệnh đầu tiên của viêm cầu thận cấp. Những người bị các bệnh liên quan đến nhiễm trùng có khả năng cao mắc viêm cầu thận cấp tính hơn những người khác.

Nguyên là vì các bệnh nhiễm trùng như viêm họng, viêm họng hạt hay nhiễm trùng vi khuẩn liên cầu sẽ gây ra tự thay đổi bên trong hệ miễn dịch người. Từ đó, tăng cao khả năng bị viêm cầu thận cấp ở người.

Những bệnh nhiễm trùng có thể gây ra viêm cầu thận cấp bao gồm:

- Viêm cầu thận hậu liên cầu: Những bệnh viêm họng hạt hoặc nhiễm trùng do liên cầu khuẩn

- Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn: Nhiễm trùng ở lớp niêm mạc trong của buồng tim và van

- Nhiễm trùng thận do virus: Tình trạng nhiễm trùng ngược khi người bệnh bị mắc viêm gan B hoặc C

- HIV: Bệnh có thể gây ra viêm cầu thận cấp. Ở một số trường hợp, viêm cầu thận cấp có thể tiến triển nhanh hơn cả HIV

2. Bệnh tự miễn

Khi hệ miễn dịch của người mất khả năng phân biệt tác nhân bên ngoài và kháng nguyên bên trong cơ thể có thể gây ra một số bệnh. Những bệnh này được xem là nguyên nhân gây ra viêm cầu thận cấp.

Những bệnh tự miễn cần đề phòng khả năng mắc viêm cầu thận cấp bao gồm:

- Bệnh lupus ban đỏ

- Hội chứng goodpasture

- Bệnh thận IgA hoặc berger

3. Viêm mạch máu

Viêm mạch máu là tình trạng mạch máu dày lên, bị thu hẹp hoặc là xuất hiện sẹo do tổn thương mạch máu. Bệnh gây ra sự thay đổi trong thành mạch máu, cản trở lưu lượng máu. Hậu quả của viêm mạch máu kéo dài và không được điều trị đúng cách là tổn thương nội tạng và mô.

Những loại viêm mạch máu có thể gây ra viêm cầu thận là viêm đa mạch và u hạt kèm viêm đa mạch.

Yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh

Các nguyên nhân dẫn đến viêm cầu thận cấp rất đa dạng. Tuy nhiên những người tiềm ẩn những nguy cơ mắc bệnh sẽ dễ bị viêm cầu thận cấp tính hơn người khác. Ở trường hợp này, người bệnh cần phải chú ý sức khỏe và điều trị bệnh kịp thời vì sẽ rất nhanh chóng tiến triển thành viêm cầu thận mạn hoặc những bệnh lý về thận khác nghiêm trọng hơn.

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cầu thận cấp gồm:

- Gia đình có bệnh sử về thận

- Người bệnh đã từng bị viêm cầu thận hoặc có bệnh sử về thận

- Gặp những vấn đề sức khỏe liên quan đến huyết áp hoặc đái tháo đường

- Phơi nhiễm độc tố

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Viêm cầu thận cấp là bệnh có thể tự hồi phục sau một thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế và bác sĩ khuyến cáo người bệnh viêm cầu thận cấp tính cần đi thăm khám ngay khi cơ thể bắt đầu có những triệu chứng bệnh.

Điều này giúp người bệnh có thể điều trị bệnh kịp thời và đúng cách nhằm hạn chế tối đa nguy cơ phát triển thành những bệnh lý về thận khác nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ dựa vào tình trạng bệnh sử và dấu hiệu lâm sàng của người bệnh để tiên lượng được sự phát triển của bệnh viêm cầu thận cấp tính.

Đồng thời, đánh giá những rủi ro tiềm ẩn về thận hoặc sức khỏe tiết niệu mà người bệnh có thể mắc phải trong tương lai, kèm với lời khuyên về cách phòng ngừa hiệu quả.

Chẩn đoán viêm cầu thận cấp tính

1. Xét nghiệm nước tiểu

Viêm cầu thận cấp tính thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm nước tiểu. Bởi vì cầu thận tổn thương sẽ gây ra tình trạng rò rỉ hồng cầu và protein vào trong nước tiểu. Vì vậy, xét nghiệm nước tiểu được xem là phương pháp tối ưu để chẩn đoán viêm cầu thận cấp.

Kết quả xét nghiệm nước tiểu sẽ thể hiện những chỉ số sau:

- Độ thanh thải của các chất thải được lọc bởi thận hay còn gọi là creatinin

- Lượng protein trong nước tiểu

- Tế bào hồng cầu trong nước tiểu

- Nồng độ của nước tiểu

2. Xét nghiệm máu

Với phương pháp chẩn đoán viêm cầu thận cấp tính bằng kết quả xét nghiệm máu chủ yếu để kiểm tra nồng độ creatinin, chất thải được lọc bởi thận của người bệnh. Bác sĩ sẽ dựa vào những nồng độ bên trong máu để chẩn đoán được liệu rằng người bệnh có bị viêm cầu thận cấp hay không.

Những kết quả xét nghiệm máu thể hiện:

- Nồng độ hồng cầu trong máu

- Nồng độ albumin

- Nồng độ nitrogen urine trong máu

- Nồng độ creatinin trong máu

3. Sinh thiết thận

Phương pháp sinh thiết thận là phương pháp đưa ra kết quả cụ thể về bệnh. Để lấy được mẩu mô thận của người bệnh, bác sĩ sẽ sử dụng kim dài đưa vào vùng lưng để đến thận và thực hiện sinh thiết.

Những người có chỉ số nước tiểu hoặc máu bất thường sẽ được bác sĩ chỉ định sinh thiết thận để chẩn đoán bệnh rõ hơn.

Cách điều trị viêm cầu thận cấp

Bệnh viêm cầu thận cấp có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, người bị viêm thận cấp cần thay đổi chế độ dinh dưỡng lẫn thói quen sống lành mạnh để phục hồi chức năng thận.  Phương pháp được áp dụng với những người viêm cầu thận có tiên lượng tốt và triệu chứng tương đối nhẹ.

Trong trường hợp, người bệnh viêm cầu thận cấp gặp tình trạng bí tiểu nhiều, gây bất tiện trong cuộc sống có thể sử dụng thuốc lợi tiểu. Tuy nhiên, người bệnh cần đến thăm khám với bác sĩ để được chỉ định thuốc và phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng cơ thể người bệnh.

Nếu người viêm cầu thận cấp tính do các bệnh nhiễm trùng, cần phải sử dụng kháng sinh diệt liên cầu khuẩn trước rồi mới điều trị bằng chế độ dinh dưỡng sau.

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm cầu thận cấp tính

1. Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải thiện và nâng cao sức khỏe thận. Với những người bệnh có bệnh sử huyết áp cao, cũng có thể thay đổi chế độ ăn để hỗ trợ kiểm soát bệnh.

Bệnh viêm cầu thận cấp có thể phòng ngừa bằng cách uống nhiều nước và áp dụng chế độ ăn ít muối. Việc ăn mặn và thiếu nước được biết là một trong những thói quen hàng đầu tăng cao nguy cơ bị các bệnh về thận, bao gồm viêm cầu thận cấp.

Để phòng ngừa viêm cầu thận cấp tối ưu, người bệnh cần lưu ý chế độ dinh dưỡng như sau:

- Hạn chế các thực phẩm quá mặn, nhiều muối

- Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp

- Uống đủ nước

- Kiểm s-oát tốt lượng kali và protein trong chế độ ăn

- Ăn nhiều các thực phẩm tốt cho thận như cá vược, súp lơ, nho đỏ, tỏi, kiều mạch,…


Ức gà nướng và Bông cải luộc là những thực phẩm an toàn cho tốt cho sức khỏe

2. Chế độ sinh hoạt

Tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu tối đa nguy cơ bị các bệnh viêm nhiễm, đặc biệt là viêm nhiễm liên cầu khuẩn là biện pháp phòng ngừa viêm cầu thận cấp được khuyến khích thực hiện.

Bạn có thể thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh để phòng ngừa bệnh viêm cầu thận cấp:

- Tập thể dục thường xuyên

- Thường xuyên kiểm soát huyết áp

- Thực hiện khám sức khỏe định kỳ

- Sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục

- Giữ gìn vệ sinh cho bản thân và môi trường sống