Những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tuyến tiền liệt

Đăng lúc: 16:00:48 16/12/2022 (GMT+7)

Viêm tuyến tiền liệt thường không làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tái phát nhiều lần, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và gây ra các biến chứng rối loạn chức năng sinh dục, vô sinh, nhiễm trùng huyết…

Bệnh viêm tuyến tiền liệt là gì?

Viêm tuyến tiền liệt là thuật ngữ y khoa được dùng để chỉ tình trạng nhiễm trùng tại tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt là một cấu trúc thuộc hệ tiết niệu -sinh dục, chỉ có ở nam giới. Tuyến này nằm dưới bàng quang, bao bọc quanh niệu đạo sau, trọng lượng khoảng 20gram, có vai trò tiết ra dịch trong tinh dịch và hỗ trợ phóng tinh ở nam giới.

Bệnh biểu hiện ở dạng cấp tính hay mạn tính. Tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn hoặc không phải vi khuẩn. Độ tuổi thường bị viêm tuyến tiền liệt là nam giới trung niên khoảng 50 tuổi hoặc trẻ tuổi hơn (dưới 40 tuổi).

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, tinh thần và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.

Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt là gì?

1. Vi sinh vật 

- Đường tiết niệu là một trong những cơ quan chứa rất nhiều vi khuẩn như E.coli, phẩy khuẩn tả Proteus, nấm Mycoplasma,  Enterobacter… Các vi khuẩn này có thể xâm nhập vào tuyến tiền liệt qua niệu đạo gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính và mạn tính. Đôi khi, vi khuẩn còn có thể ngược theo đường dẫn tinh gây viêm tinh hoàn, viêm mào tinh…

2. Phản ứng của hệ thống miễn dịch

- Tình trạng viêm tuyến tiền liệt cũng có thể là phản ứng của hệ thống miễn dịch với tình trạng nhiễm trùng đường tiểu.

3. Tổn thương do các thủ thuật

- Một số trường hợp viêm tuyến tiền liệt không liên quan đến nguyên nhân vi khuẩn. Người bệnh bị viêm  do các thủ thuật có liên quan đến niệu đạo, sau sinh thiết tuyến tiền liệt, do chấn thương hay sang chấn khi chơi thể thao, vận động mạnh…

4. Không rõ nguyên nhân

- Đôi khi tình trạng viêm tuyến tiền liệt không có nguyên nhân cụ thể.

Dấu hiệu bệnh viêm tuyến tiền liệt

Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt khác nhau tùy theo tình trạng bệnh, nguyên nhân gây viêm. Nhìn chung, khi bị viêm tuyến tiền liệt ở nam giới, người bệnh sẽ có các dấu hiệu:

- Đau rát khi đi tiểu

- Tiểu khó, tiểu nhỏ giọt, tiểu ngập ngừng

- Tiểu nhiều, tiểu đêm

- Cảm giác muốn đi tiểu liên tục

- Nước tiểu đục và/hoặc có máu

- Đau bụng, đau bẹn, đau lưng dưới

- Đau khu vực đáy chậu như ở giữa bìu, trực tràng

- Đau dương vật, tinh hoàn

- Đau khi xuất tinh

- Đau nhức cơ, ớn lạnh, sốt

Screenshot 2022-12-16 155024.png

 Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt

Các dạng viêm tuyến tiền liệt 

Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, các chuyên gia phân loại viêm tuyến tiền liệt thành 4 dạng:

1. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn 

- Nam giới bị viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nguyên nhân vi khuẩn thường có các triệu chứng đột ngột, nghiêm trọng.

- Người bệnh có biểu hiện nóng rát, đau buốt khi đi tiểu, đau bụng, buồn nôn, ói mửa, nhức người, mỏi cơ, ớn lạnh, sốt… Người bệnh có thể ngửi thấy mùi khó chịu hoặc thấy máu trong nước tiểu, tinh dịch.

2. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn 

- Với viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn, các triệu chứng nhiễm trùng diễn ra, tái phát nhiều lần. Triệu chứng không nghiêm trọng như nhiễm trùng cấp tính, phát triển và duy trì ở mức độ nhẹ.

- Các triệu chứng của loại viêm tuyến tiền liệt này thường kéo dài hơn 3 tháng, bao gồm: tiểu rát, tiểu buốt, tiểu đêm, tiểu gấp, đau bụng dưới, đau lưng dưới, đau tinh hoàn hoặc dương vật, đau bàng quang, đau khi xuất tinh…

3. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn 

- Nam giới bị viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn thường có liên quan đến hội chứng đau vùng chậu mạn tính, đau vùng chậu tái phát… Bệnh có các triệu chứng đường tiết niệu, nhưng không liên quan đến yếu tố vi khuẩn. Khi xét nghiệm không tìm ra vi khuẩn.

- Người bị viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn có triệu chứng tương tự như viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn. Người bệnh bị tiểu buốt, tiểu nhiều, có tế bào mủ trong nước tiểu.

4. Viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng

- Một dạng viêm tuyến tiền liệt khác không có triệu chứng. Người bệnh thường không nhận ra mình có bệnh cho đến khi tình cờ phát hiện khi thăm khám các bệnh khác.

- Với trường hợp này, người bệnh thường không cần điều trị, chỉ chú ý chăm sóc sức khỏe và đến bệnh viện khi có triệu chứng rõ rệt hơn.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt?

Các yếu tố rủi ro của bệnh lý viêm tuyến tiền liệt ở nam được các chuyên gia tiết niệu khuyến cáo bao gồm:

- Tuổi tác: Nam thanh niên hoặc trung niên tuổi trên 50

- Tiền sử bị viêm tuyến tiền liệt

- Người từng bị nhiễm trùng tiết niệu hoặc cơ quan sinh dục

- Người mắc Hội chứng suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS)

- Người đặt ống thông tiểu để chẩn đoán và điều trị các bệnh đường tiết niệu

- Người từng được sinh thiết để chẩn đoán nguy cơ ung thư

- Người uống ít nước khiến cho nước tiểu ít được tống xuất, tồn đọng vi khuẩn

- Người thường bị mất nước do đặc thù công việc, bệnh lý…

- Người làm các công việc thường bị rung lắc, chấn động

Các yếu tố nguy cơ bổ sung của viêm tuyến tiền liệt có thể bao gồm: áp lực tâm lý, người từng bị tổn thương dây thần kinh ở vùng chậu do phẫu thuật hoặc chấn thương do tập luyện thể dục thể thao…

Ngoài ra, người bị hẹp bao quy đầu hay có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cũng dễ bị viêm tuyến tiền liệt hơn người khác.

Screenshot 2022-12-16 154931.png

Biến chứng bệnh viêm tuyến tiền liệt ở nam giới

Tình trạng viêm tuyến tiền liệt cấp tính hoặc mạn tính có thể gây nên nhiều biến chứng  liên quan đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của người bệnh như:

- Nhiễm trùng máu

- Viêm mào tinh hoàn

- Áp xe tuyến tiền liệt

- Nhiễm trùng lan đến các vùng lân cận như xương chậu, xương sống

- Rối loạn chức năng tình dục, điển hình như rối loạn cương dương

- Những thay đổi trong tinh trùng và tinh dịch có thể gây vô sinh

- Lo lắng, trầm cảm

- Tử vong, trong những trường hợp nghiêm trọng

Khi bị viêm tuyến tiền liệt, người bệnh có thể có triệu chứng hoặc không. Tuy nhiên, nếu nhận thấy những biểu hiện sau đây thì nên đến ngay các cơ quan y tế:

- Chảy máu, nhất là sau khi quan hệ tình dục

- Xuất tinh bất thường, xuất tinh có lẫn máu

- Xuất hiện các cơn đau nặng ở vùng chậu, lưng dưới

Các biện pháp chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt

Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt dựa trên tiền sử bệnh, tình trạng sức khỏe, đặc biệt bác sĩ sẽ thăm khám tuyến tiền liệt bằng ngón tay qua ngả trực tràng để đánh giá các đặc điểm của viêm tuyến tiền liệt hoặc phát hiện các tổn thương có nguy cơ ác tính, và các xét nghiệm cận lâm sàng.

1. Xét nghiệm nước tiểu

- Việc phân tích nước tiểu để tìm kiếm vi khuẩn, máu và các yếu tố khác có nguy cơ gây viêm tuyến tiền liệt hoặc do viêm tuyến tiền liệt gây ra.

2. Cấy nước tiểu

- Nuôi cấy nước tiểu trong phòng thí nghiệm giúp tìm ra loại vi khuẩn đã tấn công vào tuyến tiền liệt và dự kiến loại kháng sinh phù hợp để điều trị.

images (2).jpg

3. Thăm khám qua ngả trực tràng 

- Động tác thăm khám này được bác sĩ chuyên khoa thực hiện, nhằm đánh giá kích thước, mật độ, tính đàn hồi của tuyến tiền liệt. Một số trường hợp, bác sĩ có thể chọc hút lấy mủ từ tuyến tiền liệt đem đi cấy và làm kháng sinh đồ.

4. Cấy dịch niệu đạo

- Tương tự như cấy nước tiểu, việc cấy dịch niệu đạo trong phòng thí nghiệm cũng giúp xác định chủng vi khuẩn và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

5. Nội soi bàng quang

- Nội soi bàng quang giúp bác sĩ khảo sát đường tiểu dưới để tầm soát, chẩn đoán, theo dõi tình hình và đánh giá kết quả điều trị. Hoặc có thể cắt đốt phá ổ áp xe nếu viêm tuyến tiền liệt bị áp xe hóa.

6. Siêu âm qua ngả trực tràng 

- Đây là một trong những biện pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến, giúp xác định kích thước tuyến tiền liệt, tình trạng các mô nhu, khối u, ổ viêm… Ngoài giúp xác định nguy cơ viêm tuyến tiền liệt, siêu âm còn có thể giúp phát hiện những dấu hiệu ban đầu của ung thư ở bộ phận này.

7. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

- Phương pháp chụp cộng hưởng từ cho phép khảo sát tuyến tiền liệt một cách toàn diện, nhằm đánh giá nguy cơ nhiễm trùng để có biện pháp can thiệp phù hợp.

- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện đo niệu động học, xét nghiệm máu nhằm tìm ra kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA)… phục vụ cho công tác chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt.

Điều trị viêm tuyến tiền liệt

Tùy theo nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt, người bệnh có thể được chỉ định bằng điều trị bằng các phương pháp phù hợp dưới đây:

1. Điều trị bằng thuốc

- Thuốc kháng sinh: Các loại thuốc kháng sinh như Levofloxacin, Ciprofloxacin… thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt do nguyên nhân vi khuẩn. Người dùng thuốc kháng sinh phải tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị để diệt sạch vi khuẩn, tránh nguy cơ tái phát và vi khuẩn kháng thuốc.

- Hầu hết các loại kháng sinh này được sử dụng qua đường uống, nhưng cũng có thể dùng qua đường tiêm để rút ngắn thời gian điều trị.

- Thuốc chẹn alpha: Nhóm thuốc này giúp giãn các cơ tuyến tiền liệt, cổ bàng quang để giải quyết các triệu chứng tiểu rát, tiểu buốt, tiểu nhiều lần…

- Tác dụng phụ của thuốc chẹn alpha là hạ huyết áp, nên bác sĩ sẽ cân nhắc dùng thuốc này cho người có huyết áp thấp hay đang dùng thuốc hạ huyết áp.

- Thuốc chống viêm, giảm đau: Các thuốc Ibuprofen, Piroxicam, Diclofenac, Paracetamol… hỗ trợ làm giảm các triệu chứng khó chịu khi bị viêm tuyến tiền liệt như đau nhức, sốt…

2. Các phương pháp khác

Khi bị viêm tuyến tiền liệt, người bệnh được chỉ định dùng kháng sinh trong khoảng 6 tuần cho đến 6 tháng để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh. Bác sĩ cũng có thể phải chỉ định phẫu thuật để giải phóng bàng quang tắc nghẽn, loại bỏ mô sẹo để cải thiện lưu lượng nước tiểu.

Phòng ngừa bệnh viêm tuyến tiền liệt

Các chuyên gia tiết niệu, có một số biện pháp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng được khuyến khích như:

- Quan hệ tình dục an toàn

- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục

- Uống nhiều nước (từ 2-3 lít mỗi ngày)

- Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn tiểu

- Tránh thức ăn cay nóng, rượu bia, chất kích thích…

- Xây dựng lối sống lành mạnh, vận động phù hợp, ăn nhiều rau xanh

- Hạn chế ngồi lâu, tránh chơi các môn thể thao gây áp lực lên tuyến tiền liệt