Người bệnh viêm tụy nên ăn gì, kiêng gì để ngừa tái phát?

Đăng lúc: 15:06:59 25/10/2022 (GMT+7)

Chế độ ăn uống không trực tiếp gây ra viêm tụy, nhưng nó có thể góp phần tạo ra sỏi mật và tăng mức lipid, cả hai đều có thể dẫn đến viêm tụy. Một chế độ ăn uống hợp lý có thể làm dịu các triệu chứng viêm tụy và ngăn ngừa tái phát bệnh.

1. Người bệnh viêm tụy cần hạn chế chất béo

Bên cạnh việc tạo ra insulin, loại hormone mà cơ thể sử dụng để điều chỉnh lượng đường trong máu, tuyến tụy khỏe mạnh sẽ sản xuất ra các enzym giúp cơ thể chúng ta tiêu hóa và hấp thu thức ăn.

Khi tuyến tụy bị viêm, cơ thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc phân hủy chất béo và không thể hấp thụ được nhiều dinh dưỡng.

Vì vậy, người bệnh viêm tụy cần lưu ý tránh thực phẩm giàu chất béo để giảm bớt gánh nặng cho tuyến tụy. Đã có nghiên cứu cho thấy bệnh nhân nam bị viêm tụy ăn chế độ ăn nhiều chất béo có nhiều khả năng bị đau bụng liên tục và có thể mắc bệnh viêm tụy mạn tính ở độ tuổi trẻ hơn.

viem-tuy-nen-an-gi-1-1642068019458893999631.jpeg

Hình ảnh: Người bệnh viêm tụy nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo.

Chế độ ăn của người viêm tụy cũng cần tăng cường các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là những thực phẩm giàu protein để phòng ngừa suy dinh dưỡng. Khả năng suy dinh dưỡng rất dễ xảy ra vì một số vitamin chính (A, D và E) hòa tan trong chất béo và khả năng tiêu hóa chất béo của người bệnh kém có thể khiến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng trở nên khó khăn. Chưa kể có những người bị viêm tụy thường cố gắng ngăn ngừa các triệu chứng bằng cách ăn kiêng nhiều dẫn đến thiếu chất, suy dinh dưỡng.

2. Người bệnh viêm tụy nên lựa chọn thực phẩm thế nào?

2.1. Chất đạm (protein)

Các nguồn protein động vật, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm giàu chất xơ có nguồn gốc từ thực vật cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng mà cơ thể có thể sử dụng để tạo năng lượng mà không gây căng thẳng quá nhiều cho hệ tiêu hóa.

Người bệnh nên lựa chọn các nguồn đạm ít béo như: thịt nạc, cá, thịt gia cầm không da; đậu, các loại đậu và đậu lăng; các loại ngũ cốc…

viem-tuy-nen-an-gi-33-16420679589012102839073.jpg

Hình ảnh: Nên lựa chọn các nguồn đạm ít béo.

2.2. Sữa

Nên chọn sữa ít béo hoặc không có chất béo và sữa chua, hoặc các loại sữa thay thế không có sữa như hạnh nhân, đậu nành và sữa gạo…

2.3. Ngũ cốc

Ngoài ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ, người bệnh viêm tụy cũng có thể lựa chọn cơm và bánh mì sẽ giúp tiêu hóa tốt hơn.

2.4. Trái cây và rau quả

Chọn các loại trái cây và rau quả có nhiều chất xơ, dù tươi hay được bảo quản đông lạnh. Trái cây và rau đóng hộp cũng tốt, nhưng cần để ráo nước và rửa sạch để giảm lượng đường và muối…

viem-tuy-nen-an-gi-3-1642068075712389292058.jpg

Hình ảnh: Chọn các loại trái cây và rau quả có nhiều chất xơ.

2.5. Món tráng miệng

Đồ ngọt, đặc biệt là những loại đồ ăn, nước uống làm từ sữa như kem và sữa không tốt đối với những người bị viêm tụy. Do đó, người bệnh nên tránh các món tráng miệng nhiều đường như: nước ngọt, bánh ngọt, bánh quy, bánh nướng và kẹo.

2.6. Đồ uống

Phải tránh hoàn toàn đồ uống có cồn và caffein. Nước lọc là sự lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra người bệnh có thể uống trà thảo mộc, nước ép trái cây và rau quả không đường.

Tùy thuộc vào mức độ cơ thể có thể điều chỉnh lượng đường trong máu, người bệnh có thể thêm một chút mật ong hoặc một chút đường vào trà hoặc cà phê đen.

3. Viêm tụy nên ăn gì ?

- Thịt nạc.

- Cơm, bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, bánh ngô hoặc bánh bột mì nguyên cám…

- Các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo. Các lựa chọn thay thế sữa không có sữa (hạnh nhân, đậu nành, gạo)

- Đồ ngọt ít béo.

- Gia cầm (gà tây, gà ta) không có da.

- Lòng trắng trứng.

- Nước dùng trong và súp ít béo, không có chất béo (tránh các loại làm từ sữa hoặc kem).

- Gia vị và thảo mộc tươi, nước sốt cà chua, đậu phụ.

- Cá, cá tuyết, cá ngừ (đóng hộp trong nước, không dầu)…

- Bắp rang bơ (không có bơ/dầu), bánh quy làm từ lúa mì hoặc bột mì

- Đậu, đậu lăng, các loại đậu.

- Trái cây và rau quả tươi/đông lạnh/đóng hộp. Nước ép trái cây và rau quả không có đường.

- Dầu dừa/cọ.

- Trà thảo mộc, cà phê đã khử caffein (có thể thêm một lượng nhỏ mật ong hoặc kem không sữa)…

4. Thực phẩm nên tránh

- Rượu, bia, soda, nước tăng lực, cà phê sữa…

- Đồ nướng, bánh ngọt, bánh nướng (bánh quy, bánh rán, bánh nướng xốp, bánh mỳ tròn, bánh sừng bò), kẹo ngọt, mứt, thạch…

- Bơ, mỡ lợn, dầu thực vật, bơ thực vật.

- Phô mai, kem phô mai, sốt phô mai.

- Lòng đỏ trứng.

- Phần mỡ thịt đỏ, nội tạng động vật.

- Đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, khoai tây chiên, ngô chiên…

- Thịt chế biến sẵn (giăm bông, xúc xích, thịt nguội…).

- Các loại sốt chế biến sẵn.

- Ngũ cốc tinh chế (bánh mì trắng, bánh quy…).

- Sữa nguyên chất, các sản phẩm từ sữa nguyên chất béo…

Để hạn chế chất béo, người bệnh viêm tụy nên sử dụng cách chế biến như hấp, luộc, hạn chế chiên, xào. Hạn chế tẩm ướp nhiều gia vị trong các món ăn, một số loại gia vị có thể gây khó chịu nhưng sử dụng nghệ và gừng lại rất tốt và có lợi cho tiêu hóa. Người bệnh luôn cần lưu ý điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với mức độ bệnh và tuân theo tư vấn của bác sĩ. Không nên quay trở lại chế độ ăn bình thường ngay khi mới giảm triệu chứng hoặc lạm dụng các thực phẩm không tốt, đặc biệt là rượu bia khiến bệnh dễ tái phát nghiêm trọng hơn.

 

Nguồn: Sức khỏe & đời sống