GÁNH NẶNG CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Đăng lúc: 07:52:09 23/07/2021 (GMT+7)

Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính phổ biến, ngày càng gia tăng, để lại nhiều gánh nặng cho cá nhân bạn, gia đình và cả xã hội.

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

slider-bai-4-8652.png

Gánh nặng ở đây bao hàm hai khía cạnh: bệnh tật và kinh tế. Bản thân đái tháo đường có nhiều biến chứng cấp lẫn mạn tính như nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu máu hay ảnh hưởng lên tim, thận, não, mắt, dây thần kinh. Bên cạnh đó, đái tháo đường thường đi kèm với nhiều tình trạng khác như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Tất cả đều dẫn đến hậu quả là ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ và tăng nguy cơ tử vong do biến chứng, đặc biệt là biến chứng tim mạch. Ngoài ra, chi phí phải bỏ ra cho việc theo dõi, chăm sóc, điều trị đái tháo đường cũng trở thành một vấn đề quan trọng đối với nhiều cá nhân, gia đình bởi vì đây là bệnh mạn tính phải điều trị suốt đời.

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (International Diabetes Federation – IDF), năm 2010 Việt Nam chúng ta mới chỉ có khoảng 1.6 triệu người đái tháo đường (chiếm 3.5% dân số trưởng thành từ 20-79 tuổi). Con số này tăng nhanh qua từng thập kỷ, với dữ liệu được ghi nhận vào năm 2017 là 3.5 triệu người hay gần nhất vào năm 2019 là 3.8 triệu người (chiếm 6.0% dân số trưởng thành). Dựa trên tốc độ gia tăng nói trên, các bảng mô tả tiếp tục đưa ra con số dự đoán số lượng bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam vào năm 2031 là khoảng 5.1 triệu người (tương đương 6.7% dân số trưởng thành) và leo lên đến 6.3 triệu người vào năm 2045 (chiếm 7.1% dân số trưởng thành). Nói cách khác, trung bình cứ 14 người Việt Nam trưởng thành thì sẽ có 1 bệnh nhân bị đái tháo đường (Hình 1) [1]. Số lượng người bị tiền đái tháo đường (tình trạng đường huyết của bạn cao hơn ngưỡng bình thường nhưng chưa đủ tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường) thậm chí còn lớn gấp 1.4 lần. Điều này chứng tỏ tình hình thực tế về nhóm bệnh lý rối loạn chuyển hóa đường huyết ở Việt Nam chúng ta diễn tiến tăng nhanh chóng mặt, ảnh hưởng đến một số lượng không nhỏ dân số, đặc biệt là người trưởng thành trong độ tuổi lao động. So với các nước khác trong khu vực, trên thế giới và tỉ lệ trung bình toàn cầu, Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ gia tăng đái tháo đường cao một cách đáng báo động (Hình 2) [1].

 

Các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường và bệnh lý tuyến giáp

 

Hình 1: Tình hình đái tháo đường tại Việt Nam gần đây [1]

 

Các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường và bệnh lý tuyến giáp

Hình 2: Tỉ lệ gia tăng đái tháo đường của Việt Nam so với các nước và thế giới [1]

   

Điều đáng lo ngại là số lượng người bị đái tháo đường chưa được chẩn đoán tại Việt Nam còn khá nhiều. Trong tài liệu năm 2019 của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế, khoảng 53.4% bệnh nhân đái tháo đường (tương đương hơn 2 triệu người) không được khám, phát hiện và điều trị bệnh. Số liệu từ chương trình Điều tra Quốc gia về Yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) do Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế Việt Nam công bố năm 2015 thậm chí còn cho thấy tỉ lệ cao hơn. Theo dữ liệu này, 68.9% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Ở những người đã được khám, tầm soát và chẩn đoán, cũng chỉ mới có 28.9% được điều trị. Như vậy, tỉ lệ bệnh nhân thực tế tiếp cận với dịch vụ chăm sóc, theo dõi và điều trị đái tháo đường khá thấp (Hình 3) [2]. Đấy là chưa kể đến bản chất khó kiểm soát của bệnh, tóm lại có thể dự đoán không nhiều bệnh nhân đạt được mục tiêu điều trị.

 

 

Các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường và bệnh lý tuyến giáp

Hình 3: Nhiều bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán và điều trị [2]

   

Như đã đề cập ở trên, khi bạn mắc đái tháo đường, các biến chứng của bệnh là nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng cuộc sống và thậm chí nguy hiểm tính mạng. Biến chứng của đái tháo đường được chia làm cấp và mạn. Biến chứng cấp là sự tăng đường huyết quá cao, dẫn đến nhiều rối loạn tức thời trong cơ thể bạn ví dụ như nhiễm toan ceton hay tăng áp lực thẩm thấu máu. Hai hệ quả này thường gặp ở người mới phát hiện đái tháo đường hoặc đã phát hiện bệnh nhưng không được điều trị, kiểm soát tích cực. Biến chứng mạn là những ảnh hưởng về lâu dài do đường huyết cáo gây nên mà những cơ quan chính chịu tác động là tim (bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim), não (đột quỵ), mạch máu ở phần xa cơ thể như tay, chân (bệnh động mạch ngoại biên), thận (bệnh thận đái tháo đường), mắt (bệnh võng mạc đái tháo đường) và các dây thần kinh chi phối cảm giác của bạn (bệnh thần kinh ngoại biên). Trong đó, nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người bệnh đái tháo đường liên quan đến tim mạch, hay còn gọi là biến chứng mạch máu lớn. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) vào năm 2018, đái tháo đường nằm trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam [3]. Cụ thể, đái tháo đường đứng thứ 6, tuy nhiên những lý do phía trên như đột quỵ hay bệnh tim thiếu máu cục bộ hay thậm chí cả bệnh Alzheimer ít nhiều đều có liên hệ với đái tháo đường bởi vì đái tháo đường được xem là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý này. Dữ liệu năm 2019 của Liên đoàn Đái tháo Đường Quốc tế cho thấy hơn 30,000 trường hợp tử vong tại Việt Nam trong cả năm đều ít nhiều liên quan đến đái tháo đường, chiếm gần 50% số ca tử vong ở người trẻ dưới 60 tuổi [1]. Như vậy có thể thấy, gánh nặng bệnh tật trực tiếp và gián tiếp mà đái tháo đường để lại không hề nhỏ.

   

Nếu không tử vong thì biến chứng mà đái tháo đường để lại cũng là một vấn đề cần được quan tâm vì ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bạn. Ví dụ, bệnh thận đái tháo đường khi diễn tiến đến giai đoạn cuối thì người bệnh cần được chạy thận nhân tạo định kỳ, tạo nên trở ngại về thời gian và tiền bạc. Một tình huống khác là bệnh thần kinh đái tháo đường, không chỉ ảnh hưởng đến cảm giác ở chân tay bạn mà còn tác động đến nhiều cơ quan bên trong, ví dụ như làm dạ dày hoạt động kém hơn, tim đập nhanh hơn và cả rối loạn cương nam giới. Chúng là những điều gây cẩn trở hoạt động sinh hoạt thường ngày của bạn. Bên cạnh đó, viêm nha chu là một bệnh lý hay gặp ở người đái tháo đường, mặc dù không quá nguy hiểm cấp thiết nhưng về lâu dài có thể dẫn đến mất răng, hôi miệng, ảnh hưởng khả năng ăn uống và cả khía cạnh tâm lý, sự tự tin của bạn. Nếu bạn có thai, đái tháo đường càng trở thành vấn đề hệ trọng bởi vì khi này, hậu quả không chỉ ở mẹ mà còn cả em bé sắp ra đời [4].

   

Chi phí y tế dành cho việc chăm sóc, điều trị và theo dõi đái tháo đường cũng không ngừng tăng theo từng năm. Vào năm 2010, Việt Nam tiêu tốn khoảng hơn 100 triệu đô la Mỹ cho toàn bộ phát sinh y tế liên quan đái tháo đường, tương đương trung bình 62 đô la Mỹ trên mỗi đầu người. Chỉ chưa đầy một thập kỷ sau, vào năm 2019, con số tổng cho toàn bộ bệnh nhân đái tháo đường Việt Nam là 1.2 tỷ đô la Mỹ, tương đương chi phí trung bình đầu người bỏ ra là 322 đô la Mỹ. Dự đoán đến năm 2045, con số tổng tăng lên gấp rưỡi, chạm mức khoảng 1.8 tỷ đô la Mỹ [1]. Như vậy, gánh nặng kinh tế mà bệnh lý này tác động trên dân số thực sự lớn. Khi phân tích cụ thể hơn, chi phí nói trên được phân bổ sử dụng vào việc khám, tầm soát, xét nghiệm chẩn đoán, xét nghiệm theo dõi định kỳ, thuốc men kiểm soát bệnh, phí tổn điều trị biến chứng và bệnh đi kèm, đồng thời tính cả thiệt hại về kinh tế do hao hụt ngày công lao động.

   

Tóm lại, với mức độ phổ biến trong dân số hiện tại và không ngừng gia tăng nhanh chóng, đái tháo đường được xem là một vấn đề y tế đáng báo động tại Việt Nam. Bệnh không chỉ để lại nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ mà còn là gánh nặng kinh tế cho cá nhân bạn, gia đình lẫn toàn xã hội.

 

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.diabetesatlas.org/data/en/country/217/vn.html?fbclid=IwAR30miVWlKHqIvqkhHAXVeKoG5nEPD0Z-PdVQAmnJpOzOpfH43m6ywcfSaQ
  2.  http://daithaoduong.kcb.vn/ganh-nang-benh-dai-thao-duong-tai-viet-nam/
  3.  https://www.cdc.gov/globalhealth/countries/vietnam/
  4.  https://www.idf.org/aboutdiabetes/complications.html
  5. VN_GM_DIA_74