Bệnh zona: Dấu hiệu, triệu chứng và thuốc điều trị

Đăng lúc: 09:33:15 11/01/2022 (GMT+7)

Bệnh zona hay còn được gọi là giời leo, là một chứng phát ban gây đau đớn do virus varicella-zoster (cùng một loại virus gây ra bệnh thủy đậu) gây ra.

1. Bệnh zona là gì?

Sau khi một người bị thủy đậu, virus tiếp tục cư trú trong cơ thể, không gây ra triệu chứng, nhưng về sau, nó có thể hoạt động trở lại, gây phát ban zona. Thuật ngữ "bệnh zona" bắt nguồn từ "cingulum" trong tiếng Latinh, có nghĩa là thắt lưng; điều này là do phát ban thường xuất hiện thành dải hoặc dạng giống như thắt lưng.

Bệnh zona có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt phổ biến ở người lớn trên 50 tuổi và ở những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch.

2. Yếu tố nguy cơ gây bệnh zona


- Tuổi tác: Bệnh zona có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn nhiều ở người lớn từ 50 tuổi trở lên.

- Tình trạng miễn dịch: Zona có thể xảy ra ở người lớn khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ mắc bệnh zona cao hơn do hệ thống miễn dịch bị suy yếu hoặc bị "tổn thương". Hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng, có thể bị suy yếu do:

  • Một số bệnh ung thư hoặc các bệnh khác cản trở phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể.
  • Hóa trị để điều trị ung thư.
  • Thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để điều trị một số tình trạng nhất định (chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp) hoặc để ngăn ngừa sự đào thải sau khi cấy ghép nội tạng.
  • Nhiễm HIV.

3. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh zona

Bệnh zona thường bắt đầu với những cảm giác bất thường như ngứa, rát hoặc ngứa ran ở một vùng da ở một bên cơ thể. Một số người cũng bị sốt, mệt mỏi hoặc đau đầu. Trong vòng một đến hai ngày, phát ban mụn nước xuất hiện ở một bên của cơ thể theo mô hình giống như dải.

Bệnh zona: Dấu hiệu, triệu chứng và thuốc điều trị - Ảnh 2.

Phát ban zona có thể xuất hiện trên hầu hết các bộ phận của cơ thể.

Phát ban bệnh zona thường ảnh hưởng đến thân (ngực, bụng và lưng). Tuy nhiên, phát ban có thể xuất hiện trên hầu hết các bộ phận của cơ thể. Nếu phát ban phát triển gần mắt, nó có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị lực nếu không được điều trị.

Cơn đau của bệnh zona có thể nhẹ hoặc dữ dội và bỏng rát. Đau có thể bắt đầu vài ngày trước khi phát ban xuất hiện. Cơn đau chỉ giới hạn ở các phần da bị ảnh hưởng bởi phát ban, nhưng nó có thể nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và giấc ngủ. Đau thường nặng hơn ở người lớn tuổi.

Trong vòng ba đến bốn ngày, các mụn nước giời leo có thể trở thành vết loét hở. Ở những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, vết loét sẽ đóng vảy và không còn lây nhiễm vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10, và phát ban thường biến mất trong vòng ba đến bốn tuần. Sẹo và thay đổi màu da có thể tồn tại lâu sau khi bệnh zona đã khỏi.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh zona sẽ tự khỏi mà không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe lâu dài nào. Tuy nhiên, tình trạng này có thể liên quan đến các biến chứng thường gặp là rối loạn cảm giác, đau dây thần kinh sau khi tổn thương ngoài da đã khỏi.

4. Thuốc điều trị bệnh zona

Điều trị bệnh zona thường bao gồm sự kết hợp của thuốc kháng virus và thuốc giảm đau. Các vùng da bị phát ban nên được giữ sạch sẽ và khô ráo. Nói chung, tốt nhất là tránh thoa kem dưỡng da (ví dụ: kem dưỡng ẩm) lên vùng bị ảnh hưởng, vì điều này có thể gây kích ứng da hơn nữa.

Điều trị zona tùy thuộc vào giai đoạn, mức độ, thể trạng người bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc thích hợp.

4.1 Thuốc kháng virus

Thuốc kháng virus ngăn chặn virus nhân lên, giúp phát ban nhanh chóng lành hơn, đồng thời giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian đau.

Điều trị thuốc kháng virus nên được bắt đầu càng sớm càng tốt, vì nó có hiệu quả nhất khi bắt đầu trong vòng 72 giờ sau khi phát ban zona xuất hiện. Sau thời gian này, thuốc kháng virus vẫn có thể hữu ích nếu mụn nước mới xuất hiện.

Ba loại thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh zona:

  • Acyclovir: Thuốc kháng virus này làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của các đợt bệnh zona. Thuốc giúp vết phồng rộp nhanh lành hơn đồng thời ngăn ngừa mụn nước mới phát triển và làm giảm các triệu chứng như bỏng và ngứa. Acyclovir có sẵn dưới dạng viên uống, viên nang hoặc dưới dạng kem bôi ngoài da, được bôi sau mỗi 3-4 giờ.
  • Valacyclovir: Giống như acyclovir, valacyclovir giúp ngăn chặn sự phát triển của nhiễm virus. Thuốc không chữa khỏi bệnh, nhưng làm giảm các triệu chứng đau đớn của phát ban do zona đồng thời ngăn ngừa mụn nước mới hình thành. Bác sĩ kê đơn sẽ xác định liều lượng phù hợp tùy thuộc vào tình trạng, phản ứng với điều trị, tuổi tác và cân nặng của người bệnh. Người bệnh nên uống nhiều nước trong khi điều trị bằng thuốc valacyclovir.
  • Famciclovir: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc này cho người lớn trong độ tuổi từ 18 đến 65, tuy nhiên cần cân nhắc ở bệnh nhân trên 65 tuổi nếu có vấn đề về chức năng thận. Giống như các loại thuốc kháng virus ở trên, famciclovir không thể chữa khỏi bệnh zona nhưng có thể làm giảm cơn đau và thời gian của các triệu chứng. Thuốc cũng có thể ngăn virus lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Famciclovir có sẵn dưới dạng viên nén với hàm lượng 125 mg, 250 mg hoặc 500 mg. Thuốc được dùng bằng đường uống, thường là hai đến ba lần mỗi ngày khi có dấu hiệu đầu tiên của đợt bùng phát bệnh zona.

4.2 Thuốc giảm đau


Cơn đau liên quan đến bệnh zona có thể nghiêm trọng và cần phải dùng thuốc giảm đau. Thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và naproxen hoặc acetaminophen (Tylenol) có thể giúp giảm đau nhẹ. Nếu cơn đau nghiêm trọng bác sĩ có thể kê đơn thuốc mạnh hơn.

4.3 Thuốc kháng sinh

Nếu phát ban bị nhiễm trùng, có thể cần điều trị bằng thuốc kháng sinh.

5. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc điều trị bệnh zona

Các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa thường gặp ở các loại thuốc chữa bệnh zona, bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và nôn mửa. Điều quan trọng là phải uống đủ nước trong khi dùng các loại thuốc gây ra các tác dụng phụ này, vì mất nước có thể nguy hiểm.

Cần trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ, để biết thêm chi tiết về các tác dụng phụ có thể xảy ra của loại thuốc cụ thể được kê đơn.

6. Có thể ngăn ngừa được bệnh zona?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh zona là tiêm phòng. Bệnh Zona có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm vaccine thủy đậu, ngừa virus Varicella Zoster. Mặc dù một số người có thể sẽ phát triển bệnh zona dù đã được tiêm phòng nhưng vaccine làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của bệnh. Tiêm phòng cũng có thể làm giảm nguy cơ đau dây thần kinh sau zona, một biến chứng của bệnh zona khiến cơn đau do zona tiếp tục kéo dài sau khi mụn nước đã khỏi.

Hiện các loại vaccine phòng thủy đậu có hiệu quả phòng bệnh lên đến 97% và ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh zona.

Tuy nhiên người bệnh cũng cần tham khảo ý kiến với bác sĩ về các lựa chọn tiêm chủng nếu:

  • Đã từng có phản ứng dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vaccine ngừa bệnh zona.
  • Có hệ thống miễn dịch suy yếu do một tình trạng bệnh hoặc thuốc
  • Đã được cấy ghép tế bào gốc.
  • Đang mang thai hoặc dự định mang thai.
Nguồn: Báo sức khỏe & Đời sống