BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CẦN TẬP THỂ DỤC THẾ NÀO CHO ĐÚNG?

Đăng lúc: 11:40:32 17/11/2020 (GMT+7)

Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ thì duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn phòng tránh được đến 70% nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường và làm giảm nguy cơ mắc bệnh như...

daithaoduong.jpg

BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CẦN TẬP THỂ DỤC THẾ NÀO CHO ĐÚNG?


Đái tháo đường, còn gọi là bệnh tiểu đường, là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo như bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại tử chi,...

Việc tập thể dục với bệnh nhân đái tháo đường cực kỳ cần thiết, vì vận động sẽ giúp cải thiện sự nhạy cảm insulin. Đồng thời, còn giúp điều trị tăng huyết áp nhẹ hoặc trung bình, tăng sử dụng năng lượng, sức bền cơ và độ dẻo dai. Riêng với những người có nguy cơ cao đái tháo đường típ 2, việc tập luyện có thể ngăn ngừa nguy cơ này.

 

BÀI TẬP NÀO PHÙ HỢP CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?


Bệnh nhân đái tháo đường có thể lựa chọn 3 nhóm bài tập sau.

Đầu tiên là bài tập thể lực như: đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, học nhảy… giúp người bệnh tuần hoàn máu, hỗ trợ tim và xương, giảm stress. Người bệnh tập ít nhất 5 ngày/ tuần và 30 phút/ lần với cường độ vừa phải, có thể chia thành từng bài nhỏ.
Nhóm thứ 2 là những bài tập cơ bắp giúp giảm glucose máu, hỗ trợ xương khớp, cải thiện insulin như: tập tạ, hít đất… Bệnh nhân cần duy trì luyện tập 2 ngày/ tuần, với cường độ vừa phải.
Nhóm thứ 3 là các bài tập chú trọng vào độ dẻo dai, giúp tăng độ linh hoạt ở các khớp, tránh tình trạng chấn thương khi tập như: Yoga, thái cực quyền, khởi động căn bản. Các bài tập này nên kéo dài 5 – 10 phút trước và sau khi luyện tập. Người bệnh nên luyện tập chậm rãi, co giãn vừa phải và cần phải dừng lại nếu thấy đau.


Tuy nhiên, trước khi bắt đầu tập thể dục, người bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ để lựa chọn hình thức tập thích hợp cũng như cường độ tập phù hợp nhất.

 

Những điều cần lưu ý khi tập thể dục


Người bị bệnh đái tháo đường típ 1 nên nghỉ tập thể dục khi lượng đường trong máu lên cao trên 13,8 mmol/L (250mg). Ngoài ra, người bệnh nên nghỉ tập khi đang có bệnh cấp tính như cảm cúm, thương tích, nhiễm trùng, sau phẫu thuật,...

Hơn nữa, bạn nên ngưng tập ngay nếu khi đang tập thấy xuất hiện những triệu chứng như đau tức ngực, uể oải chóng mặt, mệt khác thường, tim đập không đều, ra mồ hôi quá nhiều và khó thở. Nếu các triệu chứng trên kéo dài hơn 5 phút sau khi ngưng tập thì cần gặp bác sĩ ngay để được giúp đỡ.

 

Những nguyên tắc cần tuân theo khi tập thể dục mà người bệnh cần lưu ý như:

 

  • Chọn loại hình thể dục thích hợp và ưa thích nhất.
  • Tránh các môn thể thao đồng đội hoặc đối kháng vì tùy thể trạng mà mỗi người sẽ có bài tập thích hợp.
  • Nên có người tập cùng để khuyến khích nâng đỡ nhau.
  • Tập ít thời gian khi mới bắt đầu và tăng dần tới 30- 60 phút.
  • Mang theo thực phẩm dành cho người đái tháo đường để phòng khi đường trong máu xuống quá thấp.
  • Tập thể dục ít nhất một tiếng sau bữa ăn.
  • Uống nhiểu nước trong khi và sau khi tập.
  • Bảo vệ bàn chân, mang giầy mềm vừa vặn, thoải mái. Kiểm tra bàn chân mỗi ngày, nếu có vết thuơng hay da bị rộp/phồng thì phải chữa trị ngay để tránh biến chứng.


Tóm lại, tập thể dục rất quan trọng cho việc điều hoà lượng đường trong máu, đồng thời sẽ giảm các biến chứng của bệnh đái tháo đường và giúp người bệnh sống khỏe hơn.