8 câu hỏi thường gặp về bệnh quai bị ở trẻ em

Đăng lúc: 15:27:52 07/12/2020 (GMT+7)

Bệnh quai bị là gì? Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc trưng bởi sưng đau tuyến nước bọt, ngoài ra còn có thể viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, viêm tuỵ và một số cơ quan khác. Bệnh do virus quai bị (thuộc nhóm Paramyxovirus) gây ra.

Bệnh quai bị có lây không?

Đây là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp do các bụi nước trong hơi thở người bệnh truyền trực tiếp sang người lành. Sau khi vào cơ thể, virus bám vào niêm mạc mũi, miệng, kết mạc sau đó xâm nhập vào nội tạng qua đường máu.

Bệnh quai bị gặp ở lứa tuổi nào?

Bệnh hay gặp ở trẻ em từ 3 tuổi trở lên, là độ tuổi trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo; trong đó hay gặp lứa tuổi  5 – 9 tuổi và thanh niên. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh quai bị?

Viêm tuyến nước bọt mang tai

viem-tuyen-nuoc-bot-mang-tai-trong-quai-bi.jpg

Đây là biểu hiện thường gặp nhất. Trẻ thường có cảm giác đau ở quanh ống tai ngoài, sau lan ra xung quanh. Sau 1 – 2 ngày, tuyến mang tai trẻ dần sưng to, lan ra vùng trước tai, lan xuống dưới hàm và làm mất rãnh dưới hàm; tuy nhiên da vùng sưng không nóng đỏ. Trẻ thường sưng cả 2 bên tuyến mang tai, bên này sau bên kia vài giờ đến vài ngày. Ngoài ra trẻ sẽ có các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, đau nhức đầu, đau nhức xương khớp, ăn ngủ kém. Hiếm gặp một số trường hợp tuyến dưới hàm sưng to gây phù trước xương ức hay gây khó thở, khó nuốt, khó nói. Sau  khoảng 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau và nhỏ dần, bệnh nhân hết sốt, các triệu chứng khác cũng giảm dần.

Viêm tinh hoàn trong quai bị

Viêm tinh hoàn có thể gặp trong quai bị, đặc biệt ở những trẻ trong độ tuổi dậy thì.

Viêm tinh hoàn thường xuất hiện sau khi sưng tuyến mang tai 1 – 2 tuần nhưng đôi khi xuất hiện đơn độc không kèm viêm tuyến mang tai. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao trở lại, đôi khi rét run, kèm đau nhức đầu, nôn. Ban đầu bệnh nhân đau ở tinh hoàn; sau đó tinh hoàn sưng to gấp 3 – 4 lần bình thường, đau nhức, da bìu đỏ, đôi khi mào tinh cũng sưng to. Thường bệnh nhân chỉ sưng một bên tinh hoàn nhưng cũng có thể sưng hai bên. Bệnh tiến triển khoảng 4 – 5 ngày bệnh nhân sẽ hết sốt nhưng tinh hoàn sưng lâu hơn, không hoá mủ. Sau chừng 2 tuần tinh hoàn mới hết sưng và phải sau 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có bị teo hay không.

Viêm não màng não

Viêm não do virus quai bị gặp khoảng 1 – 10%; nhất là ở trẻ nhỏ, có thể xảy ra đơn độc hoặc sau khi viêm tuyến mang tai 3 – 10 ngày. Bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau nhức đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật, cứng cổ.

Viêm tuỵ cấp

Viêm tụy cấp gặp khoảng 3 – 7%, thường ở người lớn, phần lớn là thể ẩn, chỉ biểu hiện biến đổi qua xét nghiệm. Bệnh xảy ra vào tuần thứ hai (ngày thứ 4 – 10) khi viêm tuyến mang tai đã đỡ. Một số triệu chứng có thể gặp là bệnh sốt trở lại, đau thượng vị kèm theo các triệu chứng hay gặp như nôn, đầy bụng, ỉa lỏng, chán ăn…

Các biểu hiện khác

Các biểu hiện khác: hiếm gặp hơn một số biểu hiện như viêm cơ tim, viêm tuyến  giáp bán cấp, viêm đa khớp, viêm phổi kẽ, viêm tuyến lệ, viêm màng bồ đào…

Bệnh quai bị có nguy hiểm không ? Trẻ trai mắc quai bị có khác gì trẻ gái ?

  • Bệnh quai bị nói chung lành tính, ít có biến chứng, thường tự khỏi và gây đáp ứng miễn dịch vĩnh viễn. Biến chứng thường gặp nhất trong quai bị là viêm não màng não nhưng biến chứng này thường lành tính. Các biến chứng như viêm tụy cấp, viêm cơ tim, viêm đa khớp… rất hiếm gặp. Chỉ có một biến chứng khiến nhiều người lo lắng đó là biến chứng trên cơ quan sinh dục.
  • Quai bị ở trẻ nam hay nữ đều có thể biểu hiện viêm tuyến sinh dục. Ở trẻ nam độ tuổi dậy thì, khoảng 20% trẻ có viêm tinh hoàn và có nguy cơ bị teo tinh hoàn (khoảng 5% trường hợp) dẫn đến vô sinh sau này nếu như không được điều trị đúng và kịp thời. Ở trẻ nữ có khoảng 7% viêm buồng trứng và hiếm khi vô sinh.
  • Quai bị ở phụ nữ mang thai: phụ nữ mang thai nhiễm bệnh quai bị trong 3 tháng đầu có khả năng dị dạng thai,sẩy thai; còn nếu nhiễm bệnh trong 3 tháng cuối có thể tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc đẻ non.

Bệnh quai bị cần được chăm sóc thế nào?

Mọi trẻ có biểu hiện nghi ngờ quai bị cần được đưa đến cơ sở y tế để khám nhằm xác định bệnh và loại trừ các bệnh lý dễ nhầm lẫn khác. Khi đã được chẩn đoán quai bị, vì đây là bệnh lành tính và tự khỏi nên có thể cho điều trị tại nhà; tuy nhiên đây là một bệnh rất dễ lây nên cần cách ly bệnh nhân tối thiểu là 2 tuần. Cần theo dõi bệnh nhân thường xuyên, phát hiện sớm các biến chứng để có thái độ xử trí kịp thời.

Cần đưa trẻ đến khám ngay tại cơ sở y tế nếu trẻ:

  • Có biểu hiện sưng đau tinh hoàn
  • Có biểu hiện đau nhức đầu, lơ mơ, co giật
  • Có biểu hiện nôn, đau bụng
  • Có bất thường ở mắt, tai và các cơ quan khác

Một số vấn đề trong chăm sóc:

Viêm tuyến nước bọt mang tai:

  • Cần hạn chế đi lại, nhất là trong thời gian còn sốt và sưng tuyến nước bọt (4 – 6 ngày đầu) để phòng biến chứng viêm tinh hoàn.
  • Chườm nóng vùng hàm, nếu đau nhiều có thể dùng thuốc giảm đau (Aspirine, Paracetamol).
  • Ăn nhẹ và lỏng những ngày đầu. Súc miệng bằng nước muối sau khi ăn.
  • Không được đắp lá cây, bôi vôi vào vừng sưng vì có thể gây phỏng, tăng nguy cơ dẫn đến bội nhiễm.

Viêm tinh hoàn:

  • Mặc quần lót chặt để treo tinh hoàn. Có thể dùng thuốc giảm đau như Paracetamol.
  • Corticoid (Prednisolon, Dexamethasone): chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Các thuốc này chỉ dùng 5 – 7 ngày, có tác dụng chống viêm và giảm đau chứ không hạn chế được khả năng teo tinh hoàn.

Quai bị có mắc lại không ?

Sau khi nhiễm quai bị, trong cơ thể sẽ tồn tại các kháng thể trung hoà. Các kháng thể này được duy trì ở nồng độ thấp nhưng có tác dụng bảo vệ. Do đó hầu hết mọi người chỉ có biểu hiện của bệnh quai bị một lần trong suốt cuộc đời.

Vaccin quai bị?

Vaccin quai bị là vaccin virus sống giảm độc lực, an toàn, không gây sốt, tạo kháng thể cao, bảo vệ 75 – 95% trường hợp tiếp xúc, miễn dịch ít nhất 17 năm.

Vaccin quai bị hiện nay là loại vaccin kết hợp cùng lúc 3 bệnh: sởi, quai bị, rubella. Vaccin được khuyến cáo tiêm cho trẻ trên 1 tuổi; thường tiêm 2 liều, liều đầu lúc trẻ 12 – 15 tháng và lập lại liều 2 lúc trẻ 4 – 6 tuổi.
 

Tài liệu tham khảo

  1. Jan E. Drutz, Measles, mumps, and rubella immunization in infants, children, and adolescents, Uptodate 2017
  2. Mary A. Albrecht, Mumps, Uptodate 2017
  3. Sarah S. Long, Principles Practice Pediatric Infectious Diseases 4th 2012
  4. http://reference.medscape.com/article/966678-overview
Nếu bài viết hữu ích, bạn thích hãy bấm LIKE và SHARE để ủng hộ nhé.