VIÊM BAO HOẠT DỊCH CỔ TAY: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Đăng lúc: 15:13:32 01/11/2022 (GMT+7)

Viêm bao hoạt dịch cổ tay gây ra các cơn đau nhức tại khu vực cổ tay, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và khả năng hoạt động của người bệnh. Bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm.

 

1. Viêm bao hoạt dịch cổ tay là gì?

Viêm bao hoạt dịch cổ tay là tình trạng dịch tích tụ quá nhiều trong bao hoạt dịch của khớp cổ tay. Điều này khiến người bệnh bị viêm và sưng đau ở cổ tay. Khi bao hoạt dịch bị viêm, việc cử động phần cổ tay sẽ gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng xấu tới một số hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay có thể xảy ra ở tất cả mọi người, đặc biệt phổ biến ở người trên 40 tuổi. Do nhóm tuổi này đã bước qua giai đoạn lão hóa. Phần khớp cổ tay phải chịu tác động, căng thẳng trong thời gian lâu dài. Nếu phát hiện sớm, bệnh có thể được chữa khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể vẫn bị tái phát sau này.

2. Triệu chứng viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay

Người có màng hoạt dịch cổ tay bị viêm sẽ xuất hiện một số triệu chứng như:

- Đau nhức cổ tay: Người bệnh cảm thấy đau, giống như có vật nặng đè lên khớp cổ tay. Cơn đau tăng nếu có lực tác động vào cổ tay.

- Cổ tay xuất hiện những cục u nhỏ hay sưng tấy kèm theo tình trạng đỏ sẫm ngoài da.

- Khớp cổ tay thiếu linh hoạt, khó chuyển động. Hơn nữa, khi thực hiện động tác xoay cổ tay, người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu.

- Sốt cao kèm theo chóng mặt, choáng váng, buồn nôn. Tình trạng này có thể dấu hiệu của viêm bao hoạt dịch liên quan tới nhiễm trùng.

3. Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch cổ tay

Nguyên nhân viêm màng hoạt dịch cổ tay là do khớp này phải thường xuyên lặp đi lặp lại những chuyển động mạnh. Điều này khiến màng bao hoạt dịch chịu quá nhiều căng thẳng, áp lực trong thời gian dài, dẫn tới tình trạng viêm.

Ngoài ra, còn có một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay như:

- Tuổi tác: Khi lớn tuổi, phần sụn đệm cổ tay dần hao mòn, làm cho không gian trong khớp thu hẹp lại. Điều này tạo áp lực lớn lên bao hoạt dịch, gây viêm sưng.

- Nhiễm trùng: Vi khuẩn, nấm, virus sau khi xâm nhập vào cơ thể qua đường máu, có thể tấn công vào phần bao hoạt dịch khớp cổ tay, dẫn tới viêm nhiễm, gây sưng tấy và đau nhức.

- Bệnh lý khác: Một số bệnh ảnh hưởng tới toàn thân viêm khớp dạng thấp, gout, lupus ban đỏ, đái tháo đường.…có thể làm tăng nguy cơ viêm màng hoạt dịch cổ tay. viêm khớp dạng thấp, gout, lupus ban đỏ, đái tháo đường.…

4. Viêm bao hoạt dịch cổ tay có nguy hiểm không?

Viêm bao hoạt dịch cổ tay không gây nguy hiểm đến tính mạng khi phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp phù hợp. Tuy nhiên, nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có thể đối mặt với một số biến chứng như:

- Suy giảm khả năng vận động của khớp: Đây là biến chứng thường gặp nhất ở người bệnh viêm bao khớp cổ tay khi không điều trị sớm. Người bệnh thậm chí không thể cầm nắm hoặc nâng vác đồ vật lên do cảm giác đau dữ dội ở khu vực cổ tay. Tình trạng này về lâu dài gây ảnh hưởng xấu tới nhiều hoạt động sinh hoạt thường ngày.

- Nhiễm trùng bao hoạt dịch: Biến chứng này thường gặp nhất ở người bị viêm bao hoạt dịch khớp do vi khuẩn. Vi khuẩn khi xâm nhập vào bao hoạt dịch có khả năng sinh sôi, phát triển nhanh chóng. Điều này khiến chất dịch bên trong bị nhiễm trùng. Thậm chí, phần màng hoạt dịch bên ngoài cũng có khả năng bị viêm nhiễm, hoại tử với những triệu chứng tương tự viêm khớp nhiễm trùng.

5. Phương pháp chẩn đoán

Khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường chỉ định người bệnh:

- Thăm khám lâm sàng: Dựa theo các triệu chứng gồm nóng, sưng đỏ tại khớp cổ tay.

- Phân tích dịch khớp: Bác sĩ tiến hành lấy lượng dịch quanh khớp viêm rồi mang đi xét nghiệm.

- Chụp X-quang, MRI hoặc siêu âm: Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp này để chẩn đoán phân biệt những bệnh lý về xương khớp khác.

6. Tình trạng này có tự khỏi không?

Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng viêm có thể tự khỏi trong vòng vài tuần, với các phương pháp điều trị tại nhà kết hợp điều chỉnh thói quen hàng ngày, cụ thể:

- Thực hiện chườm nóng và chườm lạnh đúng cách.

- Dành thời gian cho cổ tay nghỉ ngơi sau khi thực hiện các bài tập và các hoạt động lặp đi lặp lại ở cổ tay. Người bệnh chỉ nên tiếp tục các hoạt động này khi tình trạng đau và sưng đã được kiểm soát.

- Giảm thiểu các hành động gây căng thẳng lên cổ tay như viết, đánh máy, làm vườn, chơi nhạc cụ, nâng tạ, chơi bóng chuyền, bóng rổ… Chỉ quay lại các hoạt động này khi bạn đã kiểm soát tốt tình trạng đau và sưng.

- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ như dụng cụ mở nắp, dụng cụ xoay chìa khóa, kéo khóa lớn; sử dụng đồ dùng và dụng cụ nhà bếp có tay cầm lớn.

- Thay thế cửa có núm xoay bằng cửa có tay nắm đòn bẩy.

- Đeo nẹp cổ tay hoặc găng tay để hỗ trợ cổ tay khi ngủ hoặc thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại trong ngày.

Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà, người bệnh cũng cần chú ý tới thực đơn mỗi ngày. Cung cấp cho cơ thể đủ vitamin và khoáng chất sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình phục hồi, phòng ngừa nguy cơ tái phát. Những thực phẩm người bệnh viêm bao hoạt dịch cổ tay nên bổ sung vào bữa ăn hàng ngày như:

- Rau xanh: Nhóm thực phẩm này chứa hàm lượng chất chống oxy hóa và chống viêm dồi dào, rất tốt cho quá trình phục hồi. Bạn có thể bổ sung các thực phẩm như rau chân vịt, cải xoăn, cà rốt, bí đỏ,…

- Các loại hoa quả như táo, nho, việt quất, phúc bồn tử, mâm xôi, dâu tây, đu đủ, dứa… đều là nguồn cung cấp chất lượng những hoạt chất chống viêm mạnh mẽ như vitamin A và D.

- Các loại hạt và đậu như đậu xanh, đậu đỏ, óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ cười, macca…

- Các loại nước ép trái cây tươi và trà xanh.

Ngoài ra, người viêm màng hoạt dịch khớp cổ tay cũng nên hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm như:

- Thực phẩm giàu omega-6 như sốt mayonnaise, đậu phộng, đậu nành…

- Thực phẩm có hàm lượng gluten cao như lúa mạch đen, lúa mì…

- Các món ăn quá nhiều đường, nhiều muối, nhiều dầu mỡ và những thức uống chứa cồn như rượu, bia…

7. Điều trị viêm bao hoạt dịch cổ tay

Dùng thuốc

Khi điều trị viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng một số loại thuốc như:

- Thuốc chống viêm NSAID: Các trường hợp viêm ở giai đoạn đầu với những triệu chứng cơ bản như sưng và đau thường chỉ định dùng thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen. Thuốc giúp ức chế quá trình gây viêm trong cơ thể. Nhờ đó, tình trạng khó chịu được cải thiện nhanh chóng.

- Thuốc chống viêm corticosteroids: Với các trường hợp nghiêm trọng hơn, corticosteroids thường được kê đơn thay vì NSAID. Loại thuốc này được dùng để giảm viêm, giảm sưng và đau nhức, tuy nhiên chỉ áp dụng cho các trường hợp viêm bao hoạt dịch không liên quan tới nhiễm trùng. Thuốc được điều chế dưới nhiều dạng như kem bôi, thuốc tiêm, thuốc uống.

- Thuốc kháng sinh: Người viêm màng hoạt dịch khớp cổ tay do vi khuẩn thường được chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Thuốc tiêu diệt triệt để mầm mống gây bệnh, đồng thời hỗ trợ chữa lành các khu vực bị viêm nhiễm trong bao hoạt dịch.

- Tiêm thuốc: Khi bệnh tiến triển nặng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh tiêm thuốc corticosteroid trực tiếp ở vị trí bao hoạt dịch bị viêm.

Phẫu thuật

Khi những phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện kỹ thuật chọc hút dịch nhằm loại bỏ toàn bộ dịch khớp dư thừa, nhờ đó ngăn ngừa tình trạng thoái hóa và hư tổn sụn khớp.

Tần suất thực hiện phương pháp này sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm. Do đó, người bệnh chỉ nên chọc hút dịch khi có chỉ định từ bác sĩ.

8. Biện pháp phòng ngừa

Để giảm nguy cơ viêm bao hoạt dịch cổ tay, bạn cần lưu ý:

- Tăng cường tập luyện cho vùng khớp cổ tay bằng những động tác đơn giản như xoay cổ tay, gập duỗi nhẹ nhàng. Các bài vận động này sẽ giúp khớp cổ tay giảm áp lực, thư giãn nhiều hơn.

- Không thực hiện lặp đi lặp lại những động tác yêu cầu dùng đến cổ tay trong thời gian dài. Nếu liên quan đến đặc thù công việc như vận động viên, nhân viên văn phòng…, bạn nên dành một khoảng thời gian nghỉ ngơi để thư giãn khớp cổ tay.

- Duy trì lối sống khoa học, lành mạnh bằng cách kiểm soát tốt cân nặng, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tránh những loại đồ uống chứa cồn, chất kích thích và thuốc lá.

- Khi cổ tay xuất hiện tình trạng đau nhức dai dẳng, bạn nên gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và có hướng xử trí kịp thời.


Nguồn: Bệnh viện Tâm Anh