Tổn thương gan do rượu – Bệnh từ miệng vào

Đăng lúc: 12:12:23 29/11/2021 (GMT+7)

Uống rượu nhiều sẽ làm tổn thương bộ phận gan, tế bào gan bị hoại tử, thoái hoá mỡ, tổ chức xơ phát triển.

Rượu và các thức uống chứa cồn đã được sử dụng từ rất lâu đời. Mặc dù đã có những nghiên cứu cho rằng uống rượu với một lượng vừa phải có tác dụng tốt cho hệ tim mạch ,tuy nhiên lạm dụng rượu gây nên những hậu quả nghiêm trọng có thể gây ngộ độc và tổn thương gan cấp nhưng nặng nề hơn cả vẫn là những biến chứng lâu dài từ gan nhiễm mỡ sang viêm gan do rượu và cuối cùng là xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

Bệnh xơ gan do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, trong đó rượu là nguyên nhân phổ biến đứng thứ 2 chỉ sau xơ gan do virus viêm gan. Xơ gan làm ảnh hưởng mạnh đến các quá trình chuyển hóa của cơ thể như khả năng chống độc, tạo mật, quá trình đông máu...

Cơ chế của các tổn thương gan do rượu ngày càng được hiểu rõ. Hậu quả của lạm dụng rượu cũng đã được biết từ lâu. Tuy nhiên việc tiêu thụ rượu và thức uống chứa cồn dường như không hề giảm sút mà còn có xu hướng gia tăng. "Tiên tửu" thì không thấy nhiều mà "tục tửu" cứ lan tràn khắp nơi. Cùng với nó là những hệ quả đáng tiếc, vốn không phải không phòng tránh được.

1. Vì sao rượu gây ra tổn thương gan?

Tổn thương gan do rượu xảy ra khi gan bị hư hỏng do uống rượu. Quá trình phá vỡ ethanol có trong rượu, bia và hóa chất có độc tính cao như acetaldehyde - hóa chất kích hoạt viêm phá hủy tế bào gan.

Nếu uống rượu nhiều, kéo dài, theo thời gian, thì các tế bào gan sẽ bị hủy hoại, để lại những vết sẹo và trong gan sinh ra những mô nhỏ thay thế các mô gan khỏe mạnh, gây ảnh hưởng đến chức năng của gan. Gây sẹo xơ gan không thể đảo ngược, được gọi là giai đoạn cuối của bệnh gan do rượu. Nguy cơ gan bị tổn thương do rượu tăng lên với thời gian và liều lượng rượu được uống.

Tổn thương gan do rượu xảy ra khi gan bị hư hỏng do uống rượu. Quá trình phá vỡ ethanol có trong rượu, bia và hóa chất có độc tính cao như acetaldehyde - hóa chất kích hoạt viêm phá hủy tế bào gan.

Tổn thương gan do rượu xảy ra khi gan bị hư hỏng do uống rượu.

2. Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh

Lượng rượu tiêu thụ: Sử dụng rượu nặng hoặc uống nhiều rượu là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh gan do rượu. Mặc dù khó xác định được uống bao nhiêu rượu thì sẽ gây tổn thương gan, do mỗi người lại khác nhau ở mức độ nhạy cảm với rượu. Uống một lượng rượu vừa phải được định nghĩa là không nhiều hơn hai ly một ngày đối với nam giới và một ly cho nữ giới. Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng uống rượu nhẹ ít gây tổn hại hơn so với rượu mạnh, nhưng điều này vẫn chưa được chứng minh.

 

Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ phát triển viêm gan do rượu cao hơn nam giới. Sự chênh lệch này có thể là kết quả của sự khác biệt trong cách hấp thụ và chuyển hóa rượu.

Yếu tố di truyền: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số đột biến di truyền ảnh hưởng đến cách chuyển hóa rượu trong cơ thể. Có một hoặc nhiều trong những đột biến có thể làm tăng nguy cơ viêm gan do rượu.

3. Các giai đoạn tổn thương gan do rượu

Tổn thương gan do rượu được chia thành ba giai đoạn kế tiếp nhau là gan nhiễm mỡ (steatosis hepatis), viêm gan do rượu (alcoholic steatohepatitis - ASH) và xơ gan do rượu (acoholic cirrhosis). Điều cần chú ý là các giai đoạn tổn thương này thường chồng chéo lên nhau: Trong viêm gan do rượu thường thấy có biểu hiện của gan nhiễm mỡ và trong xơ gan có thể thấy biểu hiện của viêm gan do rượu.

- Gan nhiễm mỡ: Là tình trạng mỡ tích tụ trong tế bào gan làm suy giảm chức năng gan do rượu gây ra. Khi đó gan to, vàng, có mỡ và rắn chắc. Bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không có triệu chứng rõ rệt, một số ít người có thể có cảm giác mệt mỏi, đầy hơi, khó tiêu, đau tức hạ sườn phải. Nếu xét nghiệm máu có thể thấy tăng men gan, tăng triglyceride. Nếu cai rượu trong giai đoạn này, bệnh thường khỏi nhanh và gan có thể phục hồi hoàn toàn.

- Viêm gan do rượu: Lúc này tế bào gan đã bị thoái hóa và hoại tử, gan thường có các tế bào căng phồng, có thâm nhiễm các bạch cầu đa nhân và tế bào lympho. Bệnh nhân có triệu chứng thường giống như người viêm gan do virus. Bệnh nhân thường chán ăn, buồn nôn và nôn, khó chịu, sụt cân, đau hạ sườn phải và vàng da. Có thể các triệu chứng nhẹ, nhưng cũng có người suy tế bào gan nặng, có thể tử vong. Khi khám thấy gan to, đau, lách to, vàng da, sao mạch (nổi các mạch máu đỏ hình nhện ở ngực, bụng). Trường hợp nặng có thể có cổ trướng, phù, bệnh não do gan. Ở giai đoạn này nếu bệnh nhân tiếp tục uống rượu sẽ dẫn đến tổn thương gan mãn tính tiến triển và không hồi phục. Nếu cai rượu hoàn toàn, tổn thương gan có thể hồi phục nhưng lâu.

- Xơ gan do rượu: Rượu tiếp tục phá hủy các tế bào gan và lắng đọng chất tạo keo. Mô gan bình thường được thay thế dần bởi các mô xơ, dẫn đến suy giảm nhiều chức năng quan trọng của gan. Kích thước gan co lại, có hình dáng nổi hạt, cục và trở nên rắn cứng khi xơ gan giai đoạn cuối.

Xơ gan diễn ra âm thầm trong thời gian dài nên bệnh nhân chỉ thấy mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu, sợ thức ăn nhiều dầu, đau hạ sườn. Khi bị xơ gan nặng, bệnh nhân có biểu hiện vàng da, lòng bàn tay đỏ ở ngoài rìa (lòng bàn tay son), sao mạch, lách to, teo cơ, cổ trướng, phù chân, dễ bị bầm. Ở nam giới có biểu hiện vú to, teo tinh hoàn, giảm lông. Ở phụ nữ kinh nguyệt không đều hoặc có thể nam tính hóa, vô sinh.

4. Các biến chứng tổn thương gan

Bệnh nhân xơ gan thường tử vong do các biến chứng như: Bệnh não do gan, nhiễm trùng dịch báng, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, suy thận cấp, ung thư gan, suy kiệt nặng. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và kịp thời bỏ rượu và theo dõi điều trị ngăn ngừa các biến chứng thì vẫn có cơ hội cải thiện bệnh.

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Máu từ lá lách, ruột và tuyến tụy vào gan thông qua một mạch máu lớn gọi là tĩnh mạch cửa. Nếu mô sẹo ở gan làm chậm lưu thông bình thường qua gan, máu sẽ bị giữ lại, dẫn đến tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa, có thể dẫn đến vỡ tĩnh mạch.

Giãn tĩnh mạch: Khi lưu thông qua tĩnh mạch cửa bị chặn, máu có thể lưu vào các mạch máu khác trong dạ dày và thực quản. Những mạch máu có thành bao quanh mỏng, đầy máu nhiều hơn, có khả năng bị chảy máu. Chảy máu trong dạ dày hoặc thực quản từ những mạch máu này là một trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng đòi hỏi chăm sóc y tế ngay lập tức.

Ứ dịch: Viêm gan do rượu có thể gây ra lượng lớn dịch tích tụ trong ổ bụng (cổ trướng). Chất lỏng trong ổ bụng có thể bị nhiễm trùng và cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Mặc dù không phải chính nó đe dọa tính mạng, cổ trướng thường là dấu hiệu của viêm gan do rượu hay xơ gan tiến triển.

Bầm tím và chảy máu: Viêm gan rượu gây trở ngại cho việc sản xuất các protein giúp máu đóng cục. Kết quả có thể bị thâm tím và chảy máu dễ dàng hơn so với bình thường.

Vàng da: Điều này xảy ra khi gan không thể loại bỏ bilirubin dư từ các tế bào hồng cầu già - từ máu. Cuối cùng, bilirubin tích tụ và tới da và lòng trắng của mắt, gây ra màu vàng.

Bệnh não gan:  Gan bị hư hại do viêm gan do rượu sẽ kém loại bỏ độc tố khỏi cơ thể - thường là một trong những nhiệm vụ chính của gan. Sự tích tụ các độc tố có thể gây hại cho não, dẫn đến thay đổi hành vi tâm thần và nhân cách (bệnh não gan).  Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh não gan bao gồm hay quên, lú lẫn và thay đổi tâm trạng, và trong các trường hợp nặng nhất là hôn mê.

Sẹo gan (xơ gan):  Theo thời gian, viêm gan xảy ra trong viêm gan do rượu có thể gây ra sẹo gan không thể đảo ngược (xơ gan). Xơ gan thường dẫn đến suy gan, xảy ra khi gan bị hư hỏng không thể thực hiện đầy đủ chức năng.

5. Phòng ngừa tác hại bệnh gan do rượu

Do mỗi người có độ nhạy cảm với rượu khác nhau nên biểu hiện khác nhau, nhưng tổn thương ở gan giống nhau, do vậy hạn chế uống rượu bia là cách tốt nhất để phòng bệnh. Ngoài ra, nên thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Nếu là người hoàn toàn khỏe mạnh và có thói quen uống rượu hay vì lý do gì phải uống rượu, nên cố gắng giảm uống rượu mạnh và chuyển sang uống rượu vang, bia với số lượng vừa phải.

Hạn chế uống rượu bia là cách tốt nhất để phòng những tổn thương ở gan

Hạn chế uống rượu bia là cách tốt nhất để phòng những tổn thương ở gan

Trong khi uống rượu nên ăn thức ăn nhiều đạm, tránh uống khi đói, hạn chế uống nước, không dùng chung với các thức uống có gas vì sẽ làm tốc độ hấp thu cồn gia tăng. Không nên uống thuốc giải rượu và các thuốc giảm đau như paracetamol, aspirin trước, trong hay sau khi uống rượu vì sẽ càng gây thêm độc cho gan. Những người thường xuyên uống rượu nên đi xét nghiệm định kỳ để theo dõi, phát hiện những tổn thương gan.

Lưu ý những người bị viêm gan siêu vi B, C, thì rượu có thể đẩy nhanh tiến trình suy gan, xơ hóa trong gan. Những người đã xơ gan vì bất cứ lý do gì nếu uống rượu sẽ làm gan suy nhanh hơn và nặng hơn. Khi mắc bệnh, nếu đến bệnh viện trong tình trạng muộn, đã có biến chứng rõ ràng như xuất huyết tiêu hoá, vàng da… thì việc điều trị trở nên khó khăn.

 Theo: Sức khỏe & Đời sống