BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRIỆU SƠN: TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, TÍCH CỰC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, GIẢM PHIỀN HÀ CHO NGƯỜI BỆNH

Đăng lúc: 09:42:35 13/07/2020 (GMT+7)

Bệnh viện đa khoa Triệu Sơn: Tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin, tích cực cải cách thủ thục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh.

Bệnh viện đa khoa huyện Triệu Sơn được công nhận là bệnh viện hạng II theo Quyết định số 4393/QĐ - UBND ngày 10/11/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Chỉ tiêu giường bệnh năm 2019 là 300 giường, trong đó giường kế hoạch là 160 giường, giường tự chủ là 140 giưởng; số giường thực kê là 426 giường.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, thời gian qua, Sở Y tế đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trong việc triển khai các phần mềm quản lý KCB và thanh toán BHYT.  Bệnh viện đa khoa huyện Triệu Sơn cũng đã luôn quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động điều hành, quản lý, khám chữa bệnh (KCB), góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng ngày tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
001.jpg

Đến Bệnh viện đa khoa Triệu Sơn vào sáng thứ 2 đầu tuần, mặc dù số lượng bệnh nhân tới KCB khá đông, nhưng mọi thủ tục hành chính đều được cán bộ bệnh viện giải quyết nhanh chóng nhờ sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hân, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Hiện nay, bệnh viện đã nâng cấp sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện Viettel –HIS 6.0. Trước đây, quy trình KCB tại đơn vị cũng đã được thực hiện trên phần mềm 3.0 của Cty TNHH Minh Lộ. Với phần mềm quản lý bệnh viện, các dữ liệu thông tin về bệnh nhân được nhập một lần tại phòng khám và sử dụng theo dây chuyền cho tất cả các nghiệp vụ, giúp đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ của trung tâm giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, chính xác, bệnh nhân đến khám, điều trị hay thanh toán sẽ không phải mất nhiều thời gian do phải chờ thực hiện các thủ tục hành chính như quy trình thủ công. Bệnh nhân đến khám sẽ được lưu thông tin hành chính, mã thẻ BHYT, các đơn thuốc khám lần trước, được gọi tên qua hệ thống gọi số tự động; kết quả KCB được kết xuất từ hệ thống máy móc tới phần mềm ứng dụng chuyển tới các khoa, phòng giúp bác sỹ, y tá thuận lợi trong việc kiểm soát, điều trị cho bệnh nhân, kết quả thanh toán KCB minh bạch, rõ ràng… Không chỉ giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi, việc ứng dụng phần mềm còn giúp cán bộ, y bác sỹ của trung tâm tiết kiệm được thời gian, công sức, có điều kiện tập trung vào công việc chuyên môn, nâng cao chất lượng KCB. Đồng thời, giúp ban lãnh đạo trung tâm quản lý được tần suất sử dụng máy móc, trang thiết bị của các khoa, phòng, tránh tình trạng bác sỹ, nhân viên làm các dịch vụ cho người bệnh có thu phí mà không kê khai, báo cáo”.

002.jpg

Chị Phạm Thị Mai (xã Thọ Bình, Huyện Triệu Sơn), người nhà bệnh nhân tại đây cho biết: “Hôm nay, tôi đến làm thủ tục xuất viện cho người nhà. Theo tôi, các quy trình, thủ tục KCB tại bệnh viện đã có những cải tiến đáng kể, từ khâu tiếp đón, khám bệnh, điều trị, quản lý thông tin bệnh nhân…Nếu như trước đây, khi làm thủ tục xuất viện, tôi phải chờ hàng tiếng đồng hồ mới thanh toán xong viện phí và phải đi lấy rất nhiều giấy tờ tại các khoa, phòng, thì hôm nay, chỉ mất 5 phút tôi đã hoàn thành các thủ tục".

Bệnh viện đóng trên địa bàn thị trấn Triệu Sơn, thuận tiện về giao thông với các huyện lân cận nên hàng ngày ngoài bệnh nhân trên địa bàn, bệnh viện còn tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân của các vùng lân cận, Bệnh viện Đa khoa Triệu Sơn luôn có số lượng bệnh nhân tới KCB, điều trị rất đông, vì vậy, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành tại bệnh viện càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm tải áp lực hành chính đối với các y, bác sỹ, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Được biết, bệnh viện luôn quan tâm đến việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT. Hàng năm, bên cạnh nguồn kinh phí chi cho công tác chuyên môn, bệnh viện đều có dự toán ngân sách phục vụ công tác mua sắm trang thiết bị và đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Bệnh viện đã thành lập phòng chuyên môn đảm nhiệm nhiệm vụ ứng dụng CNTT vào KCB và quản lý bệnh viện; đồng thời, thường xuyên cử cán bộ, y, bác sỹ của bệnh viện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực CNTT. Đến nay, cán bộ, y, bác sỹ của bệnh viện đều có thể sử dụng thành thạo máy tính, internet để trao đổi công việc, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; ứng dụng tốt các phần mềm quản lý bệnh viện trong hoạt động chuyên môn.

 

Từ 30/6/2016, tại bệnh viện các phần mềm đã kết nối thành công lên Cổng giám định BHYT của BHXH Việt Nam và Cổng dữ liệu của Bộ Y tế. Từ ngày 1/7/2016 đến nay, việc trích xuất dữ liệu KCB đầu ra từ các phần mềm bảo đảm theo quy định, đã chuyển thành công 100% tại các cơ sở KCB trong ngành lên Cổng dữ liệu của Bộ Y tế và Cổng giám định BHYT của BHXH Việt Nam. Nhờ đó, thông tin KCB và thanh toán BHYT được công khai, minh bạch, người tham gia BHYT được đảm bảo quyền lợi hợp pháp khi KCB, các thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi và thanh toán BHYT được rút ngắn. Ngoài ra, bệnh viện cũng tích cực ứng dụng các phần mềm do Bộ Y tế triển khai trong quản lý công tác KCB khác như quản lý danh mục dùng chung, quản lý chứng chỉ hành nghề, khảo sát ứng dụng CNTT và phần mềm nền tảng của UBND tỉnh như email công vụ, phần mềm quản lý văn bản…

Với kết quả đạt được như hiện nay là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể các cán bộ trong đơn vị, sự hợp tác của bệnh viện với các đơn vị cung cấp phần mềm, đây là nền tảng ban đầu cho quản lý sức khoẻ nhân dân, phục vụ khám sức khoẻ cho người dân; những mặt hạn chế khó khăn bệnh viện sẽ tiếp tục cố gắng khắc phục, xây dựng kế hoạch mới ứng dụng công nghệ thông tin của ngành trong thời gian tới.